Thời sự - Sự kiện

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Hội nghị được tổ chức nhân dịp Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Chư Pưh hân hoan chào mừng 15 năm Ngày thành lập Đảng bộ. Đồng thời, là dịp để huyện tiếp tục khẳng định những quyết tâm, khát vọng vươn lên, hướng đến hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025 và định hướng phát triển cho nhiệm kỳ 2025-2030.

Quang cảnh Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024. Ảnh: Quang Tấn

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái đã thông tin những nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện cũng như những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo đó, Chư Pưh là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Gia Lai, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 60 km về phía Đông Nam, có quốc lộ 14 đi qua, rất thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế và trao đổi văn hóa với các địa phương khác.

Chư Pưh được thiên nhiên ưu đãi về đất đai màu mỡ, khí khậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Đến nay, huyện đã hình thành được 6 vùng chuyên canh cây trồng các loại với tổng diện tích hơn 354 ha; xây dựng được 13 mã số vùng trồng, 14 chuỗi liên kết sản xuất và 18 sản phẩm OCOP…

Bên cạnh lợi thế về trồng trọt, huyện còn phát huy được lợi thế chăn nuôi gia súc, gia cầm; trên địa bàn huyện hiện có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao với quy mô 28,7 ngàn con/chu kỳ nuôi.

Đặc biệt, Chư Pưh có tiềm năng, thế mạnh để năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng… Trong giai đoạn 2018-2024, huyện có 11 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (đã có 9 dự án đi vào hoạt động), với tổng mức đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại chỗ và đóng góp cho ngân sách hơn 110 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Đặc biệt, hiện nay huyện đã hoàn thành bản đồ thổ nhưỡng với đầy đủ thông tin về đất đai sản xuất cho từng vùng; huyện cũng đã quy hoạch Cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích 50 ha tại các xã Ia Hrú và Ia Rong. Sau khi Cụm công nghiệp huyện thành lập sẽ ưu tiên thu hút phát triển các nhóm ngành nghề như: chế biến nông-lâm sản, thực phẩm, sản xuất-kinh doanh phân bón, vật liệu xây dựng…

Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương đang còn nhiều dư địa, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái mong muốn: “Qua hội nghị này có thể mở rộng kết nối hợp tác đầu tư với các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, huyện cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các nhà đầu tư để yên tâm triển khai thực hiện các dự án”.

Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái (bên phải) đã ký kết biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác đầu tư với 17 nhà đầu tư. Ảnh: Quang Tấn

Thống nhất quan điểm của huyện Chư Pưh, đại diện một số sở, ngành cùng các nhà đầu tư đánh giá cao các tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư mà địa phương đang nỗ lực cải thiện. Đồng thời, đề xuất một số ý kiến, giải pháp để công tác kết nối đầu tư, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn huyện đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần cùng với Chư Pưh hiện thực hóa khát vọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển ngày càng vững mạnh.

Tại hội nghị, huyện Chư Pưh đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác đầu tư với 17 nhà đầu tư; tổng vốn đăng ký trên 10.800 tỷ đồng. Trong đó 13 nhà đầu tư ký kết bản ghi nhớ liên kết sản xuất nông-lâm nghiệp, 4 nhà đầu tư ký kết bản ghi nhớ thuộc lĩnh vực điện năng.

Cụ thể như: Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về dâu tằm với quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thức ăn và nuôi tằm tại xã Ia Blứ với tổng vốn đầu tư khoảng 160 tỷ đồng; liên kết vùng nguyên liệu, sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C trên quy mô hàng trăm ha...

Các đại biểu tham quan các gian hàng tại phiên chợ giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Quang Tấn

Trong khuôn khổ hội nghị, huyện Chư Pưh tổ chức phiên chợ giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 50 gian hàng. Các sản phẩm này đã và đang được hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhằm đa dạng mô hình sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Có thể bạn quan tâm