(GLO)- Vụ Đông Xuân 2012-2013, huyện Chư Pưh gieo trồng 1.297 ha cây trồng, trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực như lúa nước 745 ha, khoai lang 62 ha, còn lại là đậu, rau màu. Tính đến nay, toàn huyện đã gieo trồng trên 95% diện tích cây trồng các loại.
Dự báo của cơ quan chuyên môn và kinh nghiệm của nông dân, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nắng hạn kéo dài, mực nước tại các đập, suối trên địa bàn huyện thấp hơn những năm trước làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Vụ Đông Xuân 2012-2013, khả năng xảy ra hạn trên địa bàn huyện Chư Pưh rất lớn, chủ yếu tập trung ở thị trấn Nhơn Hòa và xã Ia Rong. Tại thị trấn Nhơn Hòa, việc sản xuất của nông dân dựa vào tự nhiên không có công trình thủy lợi hay đập dâng nào để phục vụ tưới cho cây trồng nên nguy cơ hạn khá cao.
Cán bộ kỹ thuật xuống đồng hướng dẫn nông dân sản xuất. Ảnh: A.K |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, trên địa bàn huyện chỉ có 5 đập dâng kiên cố và 4 đập tạm, không có công trình thủy lợi nào. Năng lực tưới của 9 đập này chỉ đáp ứng nguồn nước hơn 400 ha lúa, còn lại 345 ha lúa nước không chủ động được nguồn tưới, phụ thuộc vào tự nhiên. Đối với các loại cây trồng khác và hoa màu nông dân sử dụng nước giếng, các giọt nước để tưới.
Nhằm chủ động phòng-chống hạn giảm thiệt hại cho nông dân, ngay từ đầu vụ sản xuất Đông Xuân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo nhân dân gieo sạ sớm theo đúng lịch thời vụ. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã củng cố các tổ điều tiết nước luân phiên. Phối hợp với các xã chỉ đạo nhân dân nạo vét kênh mương, gia cố các đập, tưới tiết kiệm nước tránh xảy ra tình trạng hạn cuối vụ. Đối với diện tích cây công nghiệp dài ngày, khuyến khích nhân dân tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nguồn nước. Khuyến cáo và nghiêm cấm người dân sản xuất lúa ở những nơi chân ruộng cao, trên những cánh đồng thường xuyên thiếu nước mà bắt buộc nông dân chuyển sang trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày nhằm tránh hạn cuối vụ gây thiệt hại.
Để vụ sản xuất mang lại hiệu quả cao, trước thời điểm sản xuất, UBND huyện cử 9 cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật xuống xã, trong đó Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban còn cán bộ kỹ thuật được cử xuống làm Phó ban để chỉ đạo sản xuất. Hai nhiệm vụ quan trọng đối với cán bộ kỹ thuật tăng cường xuống giúp dân sản xuất là thay đổi cơ cấu giống lúa thuần chủng đã bị thoái hóa và điều tiết nước tưới, hạn chế thấp nhất hạn cuối vụ xảy ra... Tùy từng lĩnh vực chuyên môn được đào tạo, các cán bộ kỹ thuật phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động giúp dân trong sản xuất.
Cùng với nông dân chủ động đối phó với tình hình sâu bệnh trước khi bước vào vụ sản xuất, nâng cao kiến thức cho nông dân về công tác bảo vệ thực vật, hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, theo dõi sự xuất hiện của đối tượng sâu bệnh hại trên cây lúa để ngăn chặn và phòng trừ kịp thời, đúng cách, đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Hùng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Điều kiện và phương thức canh tác của nông dân hiện nay còn phụ thuộc lớn vào tự nhiên, thiếu nước tưới nên việc tranh giành nguồn nước thường xuyên diễn ra. Việc cử cán bộ kỹ thuật xuống tận cánh đồng để giúp nông dân sản xuất là chủ trương rất đúng và đã mang lại hiệu quả. Người dân từng bước đã thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tích cực. Bện cạnh việc giúp nông dân sản xuất, cán bộ kỹ thuật tăng cường xuống xã còn làm nhiệm vụ bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình sản xuất báo cáo các cấp chính quyền kịp thời để có biện pháp chỉ đạo trong sản xuất.
Với sự chủ động phòng-chống hạn của huyện Chư Pưh ngay từ đầu vụ sản xuất, những thiệt hại về năng suất, khả năng nguy cơ diện tích do nắng hạn gây ra vào cuối vụ sẽ giảm đến mức thấp nhất.
Anh Khoa