Pháp luật

Tin tức

Chư Pưh, chưa yên một vùng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước khi chia tách thành lập huyện mới Chư Pưh, vùng này luôn là điểm nóng trong công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh Gia Lai. Vùng rừng này giáp ranh với các huyện Phú Thiện, Chư Prông và đặc biệt là huyện Ea Hleo (Đak Lak)-địa bàn nổi cộm nhiều năm về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong khu vực. Do địa hình phức tạp, diện tích quản lý quá rộng, lực lượng mỏng, cộng với thủ đoạn tinh vi, táo tợn của những kẻ phá rừng, phải nhìn nhận rằng trong nhiều năm liền cả một vùng rừng rộng lớn Chư Pưh trước đây gần như phải bỏ ngỏ…
Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng nêu trên chính là do tập quán sản xuất lạc hậu của người dân trong vùng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, phát-đốt-chọc-trỉa là chuyện thường xuyên diễn ra trong một chu kỳ sản xuất nương rẫy đã kế thừa và truyền từ nhiều thế hệ. Rồi trong 30 năm qua, một lượng dân kinh tế mới và sau đó là dân di cư tự do vào đây mưu sinh mang theo những tập quán tốt và cả thói quen xấu du nhập vào đời sống cộng đồng nơi đây. Đó là nạn phá rừng làm nương rẫy, chặt hạ cây rừng đốt than, khai thác gỗ trái phép. Đáng lo nhất là trong hơn hai thập niên qua, Chư Sê (bao gồm Chư Pưh) là vùng trồng tiêu tập trung của cả Tây Nguyên với diện tích hiện nay khoảng trên 3.000 ha. Do quen trồng tiêu trên cây choái bằng thân gỗ, người dân trong vùng thường vào rừng chặt hạ cây cà chít (loại cây phổ biến ở các vùng rừng khộp) đường kính 15-20 cm mang về làm trụ tiêu. Trung bình mỗi ha trồng 2.000 trụ thì cũng chừng ấy cây gỗ bị triệt hạ, đó là chưa kể số lượng trụ gỗ cà chít vận chuyển sang nơi khác bán cho các chủ vườn tiêu…
Phương tiện và lâm sản bị thu giữ. Ảnh: T.P
Đã có lúc vùng rừng thuộc địa bàn các xã Ia Le, Ia Phang nóng lên nạn khai thác gỗ trái phép. Hàng ngày từng đoàn xe công nông, xe thô sơ ngang nhiên vào rừng chặt hạ cây, sau đó chở về tập kết trong các nhà dân dọc hai bên quốc lộ 14. Chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức truy quét thì tình hình im ắng một thời gian ngắn rồi sau đó lại nổi lên. Tài nguyên rừng ngày càng khánh kiệt nhưng đời sống của những người dân trực tiếp vào rừng khai thác gỗ trái phép cũng không nhờ thế mà sung túc hơn, đó là một thực tế! Thực tế ấy làm xáo trộn đời sống sản xuất của một địa phương vốn dĩ yên bình như Chư Pưh. Không chỉ vùng rừng không yên mà ngay cả tình hình trật tự trị an trên địa bàn cũng có dấu hiệu bất ổn!
Ngay sau khi thành lập huyện mới Chư Pưh, giữa bao nhiêu công việc bề bộn cần làm, lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm triển khai các công tác cấp bách để bảo vệ rừng, nhanh chóng lập lại trật tự địa bàn. Nhận định chính xác tình hình, theo địa hình khoanh điểm nóng, Hạt Kiểm lâm Chư Pưh bố trí các cụm trạm kiểm soát hợp lý như ở Ia Le, đồng thời thành lập tổ kiểm lâm cơ động trang bị khá đầy đủ phương tiện tác nghiệp. Trong tháng đầu tiên sau ngày thành lập, Hạt đã tổ chức nhiều đợt truy quét trong các cánh rừng trọng điểm và khu vực dân cư vốn là những điểm tập kết, tiêu thụ gỗ trái phép trước đây. Chỉ riêng trong tháng 5-2010, Hạt đã phát hiện 17 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có đến 16 vụ vận chuyển, mua bán gỗ trái phép, tịch thu hơn 14 m3 gỗ các loại, bán tang vật và phương tiện bị tịch thu 297,6 triệu đồng. Tổng số gỗ tịch thu đến nay lên đến 219,17 m3, trong đó có 178,24 m3 gỗ tròn. Tại cơ quan Hạt, chúng tôi ghi nhận có khá nhiều xe máy cày (tay) bị tạm giữ, trên thùng xe chở đến 8-9 lóng gỗ tròn, loại gỗ cà chít dài hơn 3 mét, đường kính mỗi lóng 25-35 cm. Một nhân viên Kiểm lâm giải thích rằng, sở dĩ cây gỗ cà chít lớn như thế là vì người ta khai thác để về xẻ ra làm nhiều trụ tiêu vuông, không như những năm trước kia, mỗi trụ là một cây tròn.
Qua làm việc với chúng tôi, anh Hà Quang Tuyến-Phó Trưởng Hạt phụ trách cho biết thêm: Mặc dù rất cố gắng song do huyện mới, nhân lực còn thiếu (Hạt chỉ có 15 người, 11 biên chế), trong khi tổng diện tích rừng quản lý lên đến 30.000 ha, trung bình mỗi nhân viên chịu trách nhiệm 2.000 ha, nên bước đầu không khỏi gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên nhờ xây dựng và triển khai các công tác nghiệp vụ phù hợp với tình hình địa phương, Hạt đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, từng bước ổn định và tiến tới bảo vệ tốt tài nguyên rừng.
Giữ rừng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Kiểm lâm mà là của cả xã hội, hy vọng rằng trong thời gian tới cùng với sự tích cực của các ngành chức năng là sự nỗ lực của toàn dân, vùng rừng Chư Pưh-địa bàn giáp ranh giữa Gia Lai và Đak Lak sẽ trở lại yên bình…
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm