(GLO)- Xác định mục tiêu phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nền văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, thời gian qua, Đảng bộ huyện Chư Pưh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn, khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đạt được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Được tách ra từ huyện Chư Sê theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 27-8-2009 của Chính phủ, đến năm 2019 này, Chư Pưh (Gia Lai) tròn 10 tuổi. Suốt chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, trên cơ sở các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên của Đảng, Nhà nước; các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ huyện Chư Pưh đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh; xây dựng Đảng... phù hợp với thực tế của địa phương gắn với các chương trình hành động cụ thể trên từng lĩnh vực để khơi thông nguồn nội lực, thu hút nguồn ngoại lực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển ổn định, bền vững.
Bí thư Huyện ủy Chư Pưh Huỳnh Minh Thuận. Ảnh: Đ.T |
Trong tất cả các nghị quyết chuyên đề được ban hành, nổi bật hơn cả là Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Để Nghị quyết đi vào thực tiễn, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp, UBND huyện, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết đề ra. Sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy kết hợp với sự nhập cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp của hệ thống chính trị đã thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài địa bàn đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện. Theo đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng; mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã phát triển mạnh; cơ cấu cây trồng, vật nuôi không ngừng chuyển đổi theo hướng đa dạng; hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Mạng lưới thương mại được mở rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp, mở rộng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng triển khai.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều khởi sắc. Song song với việc quan tâm phát triển quy mô trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị trường học, Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai hiệu quả việc sáp nhập trường lớp, sắp xếp các điểm trường, ghép lớp, tinh gọn đầu mối theo đúng tinh thần Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng. Triển khai hiệu quả các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục-đào tạo, nhất là việc đảm bảo các điều kiện để chuyển đổi Trường THCS Ama Trang Lơng thành Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ama Trang Lơng. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; tỷ lệ duy trì sĩ số hơn 99%; tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hàng năm đạt 98,6%; xây dựng được 15 trường chuẩn quốc gia (tăng 15 trường so với năm 2010). Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm đúng mức, chủ động phát hiện và phòng-chống kịp thời các loại dịch bệnh; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia về tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Đội ngũ cán bộ y tế tích cực học tập nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 7/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ xã có bác sĩ đạt 78%. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 968 người (tăng 5,21% so với Nghị quyết của Đảng bộ huyện). Thực hiện đồng bộ công tác an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng cũng đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, Đảng bộ huyện có 41 tổ chức cơ sở Đảng (tăng 31 tổ chức cơ sở Đảng so với năm 2010). Số lượng đảng viên mới kết nạp trong 10 năm qua là 1.131 đồng chí, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 1.550 đồng chí (tăng 1.148 người so với năm 2010). Tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy các cơ quan đơn vị từ huyện đến cơ sở không ngừng được kiện toàn, củng cố, đảm bảo yêu cầu tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo đúng quy hoạch, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Cấp ủy Đảng các cấp không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì chế độ kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Các cấp ủy tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đổi mới trong thực hiện Chỉ thị số 03 (khóa XI) và Chỉ thị số 05 (khóa XII), đã chuyển trọng tâm từ học tập sang làm theo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh, hiện có 14 mô hình, điển hình tiên tiến được nhân rộng. Thực hiện và chỉ đạo duy trì thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tăng cường bám cơ sở kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh trong nhân dân. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước mở rộng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: internet |
Thành tựu đạt được trong 10 năm qua là nền tảng để Chư Pưh hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị năm 2020 và những năm tiếp theo trong xu thế hội nhập và phát triển toàn diện với nhiều thời cơ, thách thức, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh đoàn kết một lòng, phát huy trí tuệ tập thể, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn nội lực. Tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế ngành, lĩnh vực. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với công nghệ 4.0; đấu tranh phòng-chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa của các thế lực thù địch; ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chú trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với xây dựng chi bộ có chi ủy. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng và giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân; làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội cũng như các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để xây dựng huyện Chư Pưh phát triển ổn định và bền vững.
HUỲNH MINH THUẬN
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy