Kinh tế

Chư Sê: Đầu tư tổng lực vực dậy xã nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, huyện Chư Sê đã xây dựng đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng  nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Ayun và Hbông giai đoạn 2017-2020” với mục tiêu giúp 2 xã này phát triển toàn diện và nâng cao đời sống người dân.

Ayun là xã khó khăn nhất huyện Chư Sê. Toàn xã có 807 hộ với hơn 3.657 khẩu (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 98%) và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76% dân số. Địa hình của xã bị chia cắt, độ dốc lớn, việc lưu thông hàng hóa với các địa phương khác trong vùng rất khó khăn. Ngoài ra, khí hậu nắng nóng đã kéo theo việc thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng... Ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ayun, chia sẻ: Nông dân trong xã chỉ canh tác một số cây ngắn ngày như: lúa rẫy, mì, bắp, đậu phộng và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Do đó, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt hơn 5 triệu đồng/năm. Đến nay, xã mới chỉ đạt được 4/19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Người dân xã Hbông vẫn sản xuất thủ công. Ảnh: L.N

“Từ đề án của huyện, chúng tôi tổ chức họp để nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân. Theo đó, những hộ sống gần hồ thủy lợi Ayun Hạ đề xuất hỗ trợ xuồng, dụng cụ đánh bắt thủy sản. Còn những vùng khác tập trung giúp người dân chuyển đổi cây trồng khi hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Plei Keo hoàn thành. Ngoài ra, chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm sao cho hiệu quả”-Chủ tịch UBND xã Ayun chia sẻ thêm.

Tương tự, chính quyền xã Hbông đang triển khai các hạng mục công trình để giúp đỡ người dân ổn định và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Trọng Lễ-Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65,6%, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn xã không có công trình thủy lợi nên năng suất cây trồng luôn đạt thấp hơn so với những vùng khác. Chúng tôi tập trung hỗ trợ người dân phát triển những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao và ổn định như: hồ tiêu, mía, mì, bắp.  Trong đó, cây mía đã được người dân đưa vào sản xuất một vài năm gần đây và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những cây trồng khác. Hiện trên địa bàn có khoảng 300 ha mía và phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích mía lên 1.000 ha”.

 

Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Ayun và Hbông giai đoạn 2017-2020” có tổng vốn đầu tư hơn 479,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh phân cấp hơn 263,5 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 35,8 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 115,7 tỷ đồng; vốn từ các doanh nghiệp hơn 5 tỷ đồng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 56,9 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình khác hơn 2,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết: Năm 2017, đề án tập trung quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi của 2 xã này. Đầu tư, mở rộng diện tích canh tác tại xã Ayun khi có công trình thủy lợi; khai thác tốt tiềm năng thủy sản từ hồ thủy lợi Ayun Hạ; thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai các mô hình phát triển sản xuất. Tập trung thâm canh các loại cây trồng chính, chuyển đổi cây trồng và nhân rộng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào những vùng sản xuất tập trung... Khi hệ thống dẫn nước từ thủy lợi Plei Keo được đưa vào sử dụng sẽ góp phần mở rộng diện tích lúa 2 vụ của 2 xã Ayun và Hbông.

Cùng với đó, sẽ tập trung phát triển diện tích mía trên địa bàn xã Hbông và thực hiện mô hình liên kết với nhà máy đường để đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm. Tập trung phát triển diện tích bắp tại các làng: Keo, Trưng, Kpaih, Păleng, Achông (xã Ayun) và  toàn xã Hbông. Đồng thời, triển khai cải tạo vườn tạp và xây dựng trang trại gắn với du lịch nhà vườn bằng các loại cây ăn quả như: dừa, mít, bơ, chuối, nhãn... Đến năm 2020, huyện phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người của xã Ayun lên 21 triệu đồng/năm và xã Hbông đạt 36,9 triệu đồng/năm và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở 2 xã này xuống còn khoảng 7%.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm