Trong 5 năm (2005-2010), huyện Chư Sê đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 15,1% (tăng 21% so với nghị quyết (NQ). Tổng giá trị sản xuất đạt 1.594 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994) và đạt 5.579 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm là 9%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 61% (2005) xuống còn 45% (2010); ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm là 21,2%, tỷ trọng tăng dần từ 21,8% (2005) lên 30% (2010); ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm 19,8%, tỷ trọng tăng dần từ 17,5% (2005) lên 25% (2010). Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2009 đạt 13,5 triệu đồng/năm (tăng 52% so với NQ).
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm có chất lượng, giá trị xuất khẩu cao và có sức cạnh tranh trên thị trường. Các chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ vốn, giống, vật tư, chuyển giao khoa học- công nghệ ứng dụng vào sản xuất cho nông dân được chú trọng; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng đạt 41.632 ha, trong đó, ngoài quốc doanh 33.216 ha (tăng 12% so với NQ), gồm các cây trồng có thế mạnh như: Cà phê 10.987 ha, hồ tiêu 3.536 ha, cao su 11.625,6 ha, lúa nước 4.693 ha… Tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt 44.112 tấn (đạt 99,6% so với NQ); sản lượng cà phê nhân vụ 2009 đạt 20.000 tấn, hồ tiêu đạt 15.000 tấn, cao su mủ khô đạt 14.400 tấn, duy trì ổn định vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Dây chuyền chế biến bông. Ảnh: Đ.T |
Hoạt động dịch vụ phát triển khá mạnh từ huyện đến xã, đáp ứng được nhu cầu đời sống của nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội: Năm 2009, tổng giá trị sản xuất đạt 350 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2010 đạt 320 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 19,8%/năm (đạt 96% so với NQ). Dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải, điện, nước sinh hoạt… phát triển cả về quy mô, số lượng; các mặt hàng chính sách được cung cấp kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng; thông tin liên lạc, vận chuyển hàng hóa... đảm bảo thông suốt từ huyện đến các xã và đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu thụ hàng hóa và phát triển sản xuất của nhân dân.
Bên cạnh những thuận lợi, huyện Chư Sê còn gặp một số hạn chế là: Cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi còn chậm, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp thấp; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn dàn trải, cơ giới hóa trong nông nghiệp thấp, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Công nghiệp chế biến ở các vùng nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế. Các thành phần kinh tế phát triển không đều, nhất là hoạt động của hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường.
Và định hướng phát triển trong những năm tới, ông Nguyễn Hồng Linh- Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: Chư Sê phấn đấu để trở thành vùng động lực phía Nam của tỉnh. Theo đó, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 14,2%; đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất đạt 2.473 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 908 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương đạt 1.073 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển bình quân hàng năm đạt 37 tỷ đồng (chiếm 17% tổng chi ngân sách địa phương).
Cùng với đó, huyện xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, trên cơ sở phát huy những sản phẩm có lợi thế so sánh như cà phê, hồ tiêu, cao su…; tiếp tục quảng bá thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê ra thị trường thế giới, xây dựng trại giống Hồ tiêu Chư Sê.
Với nội lực và tiềm năng vốn có, chúng ta có thể tin tưởng rằng trong thời gian ngắn nhất huyện Chư Sê sẽ xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Minh Dưỡng