Nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm ngoái
Tại hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi khi trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc; hầu hết chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, tính đến ngày 28-2, toàn tỉnh gieo trồng được 75.891 ha vụ Đông Xuân (đạt 97,9% kế hoạch, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022). Công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản được triển khai hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đang thẩm định thêm 7 xã); 125 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; 3/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 7,31% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt hơn 2.398,6 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt trên 4.498,5 tỷ đồng (tăng 14%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt 9.000 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đạt 19.000 tỷ đồng (tăng 58,18%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80 triệu USD, lũy kế 2 tháng ước đạt 150 triệu USD (tăng 11,11%). Doanh thu vận tải tháng 2 ước đạt 497,4 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng ước đạt 997,4 tỷ đồng (tăng 2,9%). Trong tháng có 75 doanh nghiệp thành lập mới, lũy kế 2 tháng đầu năm có 115 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 10,1%); trong tháng thành lập mới 3 hợp tác xã, lũy kế toàn tỉnh hiện có 389 hợp tác xã.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có những chuyển biến tích cực. Du lịch tiếp tục khởi sắc với tổng lượt khách đến tỉnh trong 2 tháng đầu năm ước đạt 270.000 lượt (tăng 168%), tổng doanh thu du lịch ước đạt 130 tỷ đồng (tăng 186%). Trong tháng, tỉnh đã thực hiện tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động, chính sách lao động, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 1.687 lượt người. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 22.325 người so với tháng trước, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 4,9%). Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỉnh cũng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ với chất lượng cao hơn năm 2022 ở cả 3 tiêu chí: sức khỏe, trình độ học vấn và chất lượng chính trị.
Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác tháng 2 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 3-2023. Ảnh: Đức Thụy |
Trước những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trong 2 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị bám sát yêu cầu của Chính phủ, chương trình làm việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra, tập trung thảo luận ngắn gọn, đánh giá toàn diện, nhất là những vấn đề nổi cộm; đồng thời, đề ra các giải pháp căn cơ nhằm gỡ khó, tạo tiền đề vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tháng 3 và quý I-2023.
Tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm
Liên quan đến tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thông tin: Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 là 826,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn đã giao kế hoạch đợt 1 là hơn 688,8 tỷ đồng, vốn chưa phân bổ trên 137,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các dự án giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục phê duyệt dự án. “Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 (vốn kéo dài) và năm 2023, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các sở, ban, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục phê duyệt dự án, theo chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và giao chi tiết kế hoạch vốn cho từng dự án; phấn đấu đến ngày 31-12-2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Về nội dung này, các sở, ban, ngành làm chủ đầu tư liên quan gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh… đã lần lượt giải trình nguyên nhân chậm tiến độ. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị tập trung đề ra giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Tính đến ngày 28-2, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn tỉnh là 1.237,9 tỷ đồng (bằng 22,8% dự toán Trung ương giao, 21% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022). Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng, với tiến độ này, khả năng tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2023. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể vẫn có 2 khoản thu đạt thấp là thu tiền sử dụng đất và thu do hải quan. Theo đó, đến hết tháng 2, khoản thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 109,5 tỷ đồng, đạt 9,1% dự toán Trung ương giao và 8,1% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền sử dụng đất của ngân sách tỉnh là 10,8 tỷ đồng, chỉ đạt 1,9%; ngân sách huyện, xã là 73,3 tỷ đồng, đạt 9,4%. Còn các khoản thu do hải quan mới thực hiện được 4,5 tỷ đồng, đạt 1,8% dự toán Trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 60,7% so với cùng kỳ năm 2022.
“Thời gian đến, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực chậm lập quy hoạch sử dụng đất. Các địa phương, đơn vị cũng cần chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản… để khai thác các nguồn thu”-Giám đốc Sở Tài chính nêu giải pháp.
Việc rà soát, xây dựng các loại quy hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại kỳ họp trước cũng nhận được sự quan tâm tại hội nghị. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch cho hay: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ động tổ chức cuộc họp chuyên đề về quy hoạch với các sở, ngành có liên quan và lãnh đạo 17 địa phương. Qua hội nghị này, vấn đề mà hầu hết các địa phương gặp khó đó là nguồn lực, trong khi Luật Phòng-chống tham nhũng không cho phép xã hội hóa hay tài trợ kinh phí đối với việc lập quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: “Công tác lập quy hoạch rất quan trọng vì nó sẽ điều phối mọi nhiệm vụ, từ triển khai dự án, thu hút đầu tư đến đấu giá cấp quyền sử dụng đất. Đây là nhiệm vụ của địa phương nên các huyện, thị xã, thành phố phải cân đối ngân sách để triển khai, nếu địa phương nào không cân đối được thì phải có văn bản báo cáo, đề xuất với tỉnh”.
Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung bàn thảo về tình hình sản xuất nông nghiệp, phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và phòng-chống cháy rừng trong mùa khô; nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn cháy mía khi thời gian qua đã xảy ra tới 99 vụ, gây thiệt hại 315 ha của 205 hộ dân; tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, phòng-chống dịch sốt xuất huyết; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; phân tích về tình hình lãi suất ngân hàng trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới...
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng nêu giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Ảnh: Đức Thụy |
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 3 và các tháng tiếp theo, nỗ lực phấn đấu đạt vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023. Trong đó, chú trọng khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, nổi cộm đã phân tích, chỉ ra tại hội nghị; các vấn đề cử tri quan tâm, báo chí phản ánh thuộc ngành, địa phương quản lý theo thẩm quyền. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; đôn đốc, rà soát, đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng; khẩn trương lập quy hoạch 3 loại rừng và triển khai kế hoạch giao đất, giao rừng.