Kinh tế

Chủ vườn ươm khởi nghiệp ở tuổi hai mươi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi nghiệp ở độ tuổi khá trẻ, ông chủ vườn ươm Lâm Nguyên-Nguyễn Chí Nguyên (SN 1987, trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là một điển hình về làm kinh tế mà không phải bạn trẻ nào cũng có thể làm được.

Vườn ươm của Nguyên có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy ganh tị với tổng số lượng cây giống trong vườn trên 13 vạn cây, gồm các loại cây như: cà phê, hồ tiêu, điều, bơ, chôm chôm, mít, sầu riêng… và các loại cây làm trụ sống cho hồ tiêu như muồng, keo, huỳnh đàn, ngúc ngoác… Mới đây, vườn ươm còn được bổ sung thêm 1.500 giò phong lan các loại. Để có được “cơ ngơi” như hiện tại, những người xung quanh đều “thuộc lòng” hình ảnh mỗi sáng sớm hoặc chiều tối muộn, có một cậu trai trẻ loay hoay bơm tưới, chăm sóc tỉ mẩn cho 3 sào vườn ươm của mình.

 

Nguyễn Chí Nguyên được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2014. Ảnh: H.D

Mọi sự bắt đầu đều có nguyên do. Với ông chủ vườn ươm Lâm Nguyên, có 3 lý do để chàng trai này chọn khởi nghiệp từ vườn ươm. Đó là nhu cầu về cây giống của bà con trên địa bàn huyện rất lớn, nhất là cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, điều, bời lời và những cây làm trụ sống cho tiêu. Nguyên muốn tạo ra một địa chỉ thực sự tin cậy cho bà con. Lý do thứ 2 là thời gian, làm vườn ươm thực sự không cần dành quá nhiều thời gian, chỉ cần tranh thủ lúc sáng sớm trước khi đi làm và sau khi đi làm về để tưới cho cây giống là được. Và quan trọng nhất là phù hợp với nguồn tiền hạn chế Nguyên có, chỉ 20 triệu đồng vay ngân hàng.

Nói về khó khăn khi bắt đầu, Nguyên cười rất nhẹ: “Khó khăn chứ, có thất bại nữa. Tốt nghiệp Khoa Thư viẹn Thông tin (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), ra trường về làm tại Huyện Đoàn Ia Grai, kiến thức về ươm cây của mình là con số 0. Khi làm rồi mới bắt đầu mày mò nghiên cứu, học hỏi trên mạng hoặc đến các vườm ươm lớn để tìm hiểu. Vì vậy, lúc mới bắt đầu, số cây giống và cây ghép bị chết nhiều. Phải từ từ tìm hiểu và từng bước khắc phục cũng như tích lũy kinh nghiệm dần dần. Giờ thì ổn rồi. Hiện mình chỉ phụ trách phần kỹ thuật, còn những việc khác như chăm sóc, tưới, bón phân, làm cỏ… mình thuê người làm”.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Chí Nguyên:

Xác định được hướng khởi nghiệp.

Xác định khả năng vốn đầu tư, nhu cầu thị trường để chọn lựa mô hình phù hợp.

Dám làm, nghiêm túc, quyết tâm, không ngại khó khăn, không ngại thất bại.

Chịu khó tìm tòi, học hỏi (trên mạng internet, những người xung quanh).

Nỗ lực tự thân, không dựa dẫm.

Có trách nhiệm với công việc đang làm và với đồng vốn mình có, Nguyên cẩn thận ngay từ khâu chọn giống và giống phải đảm bảo chất lượng. Các loại cây giống được chọn lọc, sử dụng các loại giống có năng suất cao, nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình ươm, cấy, ghép có áp dụng các phương pháp và tiến bộ khoa học mới vào quá trình sản xuất. Ngoài việc ươm trồng cây giống thì cơ sở này còn cung cấp cho bà con các vật tư đi kèm như phân bón, thuốc các loại. Bởi vậy, chỉ sau 2 năm, vườn ươm Lâm Nguyên đã được nhiều người biết tới, giống không đủ đáp ứng nhu cầu của bà con. “Số tiền có được sau mỗi năm, mình dành để tái đầu tư và mở rộng quy mô vườn ươm. Vừa rồi, thấy nhu cầu thị trường về phong lan khá lớn, mình bắt đầu chăm sóc và kinh doanh phong lan, trước mắt là một số loại đang được ưa chuộng như nghinh xuân, thủy tiên, hạc vỹ, giả hạc, quế, sóc Lào… Song hiện phong lan vẫn đang trong giai đoạn hàng-thuần, tức là đang cho lan “làm quen” với điều kiện thời tiết, khí hậu, nước… chứ chưa đưa vào kinh doanh. Dự kiến Tết năm sau mới đưa ra thị trường được”-Nguyên hào hứng cho biết.

Từ nguồn vốn 20 triệu đồng ban đầu, tới nay, tổng lãi sau mỗi mùa vụ sau khi trừ chi phí của Nguyên khoảng 250 triệu đồng. Hàng năm, vườn ươm còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 đoàn viên thanh niên, những lúc cao điểm là 10 đoàn viên thanh niên. Nhưng, vườn ươm vẫn chỉ là việc “làm thêm”, còn công việc chính của Nguyên hiện là cán bộ Ban Thanh Thiếu nhi-Trường học (Tỉnh Đoàn Gia Lai). Và Nguyên luôn là một cán bộ năng nổ, mẫn cán, trách nhiệm. Điều này được thể hiện ở hàng loạt các giấy khen, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện và Tỉnh Đoàn Gia Lai… liên tục nhiều năm liền. Và với mô hình vườn ươm, Nguyên đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về điển hình thanh niên sản xuất kinh tế giỏi năm 2014.

Điều đáng khâm phục nhất ở Nguyên chính là tinh thần ham học hỏi, nỗ lực vượt khó, đặc biệt là tự thân vận động, không dựa dẫm vào gia đình.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm