Xã hội

Từ thiện

Chung tay chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, với tấm lòng sẻ chia và trách nhiệm, các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hiệu quả nhằm giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Sẻ chia kịp thời

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Giàu (149 Nguyễn Thiếp, TP. Pleiku) vào một buổi chiều cuối năm. Trong ngôi nhà nhỏ, ông Giàu đang chăm sóc mẹ già và người vợ bị liệt 2 chân nằm một chỗ do biến chứng của bệnh tiểu đường. “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong khi 2 con đang tuổi ăn tuổi học. Được sự quan tâm của Nhà nước, hàng tháng, mẹ tôi được trợ cấp 500 ngàn đồng, còn vợ được trợ cấp 750 ngàn đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng giúp chúng tôi đỡ đần được phần nào chi phí, cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn”-ông Giàu tâm sự.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tặng quà đối tượng BTXH tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Ảnh: Đ.Y

Bên cạnh nhận tiền trợ cấp, thời gian qua, gia đình ông Giàu còn được lãnh đạo phường Diên Hồng (TP. Pleiku) quan tâm kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ông Trần Ngọc Thắng-Phó Chủ tịch UBND phường-cho hay: “Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình ông Phạm Giàu, chính quyền địa phương luôn thăm hỏi, động viên kịp thời. Thông qua sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, gia đình ông Giàu cũng đã phần nào vơi bớt khó khăn”.

Em Puih Yô (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) bị khuyết tật đặc biệt nặng. Năm nay, Yô tròn 10 tuổi nhưng không thể tự vệ sinh cá nhân. Ngày ngày, bà Puih Joen vẫn phải lo lắng cho con trai từ việc ăn uống đến tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Bà Joen bày tỏ: “Ngoài được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 360 ngàn đồng, con tôi còn được nhận thêm chế độ BTXH 900 ngàn đồng. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình”.

Quan tâm người yếu thế

Từ lâu, Trung tâm BTXH tổng hợp tỉnh đã trở thành mái ấm của nhiều người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi và người tâm thần lang thang cơ nhỡ. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, những cán bộ, nhân viên ở đây luôn hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng những người yếu thế, mang lại cho họ cuộc sống đủ đầy và ý nghĩa hơn.

Chị Nguyễn Thị Song Thương (bìa trái) trò chuyện với bà Võ Thị Đay. Ảnh: H.T

Là nhân viên chăm sóc khẩn cấp và dài hạn ở Trung tâm BTXH tổng hợp tỉnh, với 11 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Song Thương luôn tận tụy chăm nom, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh, yếu thế. Hai năm qua, chị được lãnh đạo Trung tâm phân công chuyên chăm sóc người già cô đơn. Chị chia sẻ: “Nếu không bằng tình yêu thương thì sẽ khó gắn bó lâu dài với công việc này. Những đối tượng BTXH đều chịu nhiều thiệt thòi. Họ không chỉ thiếu thốn về vật chất mà cả tinh thần và sức khỏe đều bị tổn thương. Do đó, tôi luôn chăm sóc họ như chính người thân ruột thịt của mình”. Cũng theo chị Thương, khổ nhất là khi các cụ đau ốm phải nhập viện. Những lúc ấy, cán bộ, nhân viên lại cắt cử nhau đến bệnh viện trông nom, chăm sóc. Không may các cụ qua đời thì cả Trung tâm cùng chung tay lo mai táng chu toàn, tiễn biệt các cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Vị cũng có 13 năm gắn bó với công việc chăm sóc các đối tượng BTXH. Tùy từng đối tượng, chị có những phương pháp chăm sóc khác nhau, song đều bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. “Làm việc ở đây phải biết cảm thông, yêu thương, coi đối tượng BTXH như người thân trong gia đình thì mới bám trụ được với nghề. Hàng ngày, chúng tôi làm rất nhiều công việc, từ chăm sóc, điều trị bệnh, phục hồi chức năng đến dọn phòng, thay quần áo, tắm rửa... Có những trường hợp bệnh trở nặng, chúng tôi đưa đi bệnh viện. Sau đó, trông nom, chăm sóc họ cho đến khi khỏe lại mới an lòng”-chị Vị cho biết.

Năm lên 10 tuổi, bà Võ Thị Đay (quê Bình Định) theo bố mẹ lên huyện Phú Thiện lập nghiệp. Bà bị khuyết tật chân phải từ nhỏ nên sống đơn thân. Năm 2017, bố mẹ bà qua đời vì tuổi già sức yếu. Từ đó, bà Đay một mình bươn chải cuộc sống. Một buổi chiều đầu tháng 2-2023, trên đường đi làm về, bà Đay không may gặp tai nạn khiến chân trái bị gãy. “Nhờ họ hàng, làng xóm giúp đỡ, vết thương của tôi cũng dần lành lại. Tuy nhiên, thấy hoàn cảnh của tôi, anh em họ hàng đã làm đơn gửi tôi vào Trung tâm BTXH tổng hợp tỉnh. Hơn 1 năm ở đây, tôi được cán bộ, nhân viên Trung tâm quan tâm như người nhà, được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Vết thương ở chân giờ chưa lành hẳn nhưng đẩy ghế là đi lại thuận lợi hơn nhiều rồi. Giờ đây, tôi coi Trung tâm như ngôi nhà thứ 2 của mình”-bà Đay bộc bạch.

Trò chuyện với P.V, bà Nông Thị Châm-Giám đốc Trung tâm BTXH tổng hợp tỉnh-cho biết: “Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 140 đối tượng BTXH. Hàng tháng, đơn vị luôn duy trì, bảo đảm mức trợ cấp tiền ăn từ ngân sách địa phương cho các đối tượng theo đúng quy định. Mọi chế độ của đối tượng đều bảo đảm thường xuyên, đúng tiêu chuẩn. Mỗi cán bộ, nhân viên luôn coi mình là người thân của các đối tượng để chăm sóc bằng cái tâm, sự chân thành, tận tụy”.

Cần lắm những tấm lòng hảo tâm

Thời gian qua, 100% địa phương trong tỉnh đã thực hiện theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1-7-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH với mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1-7-2024 là 500 ngàn đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống của các đối tượng BTXH trên địa bàn tỉnh ngày càng được ổn định hơn.

Đoàn từ thiện tặng quà cho người già cô đơn không nơi nương tựa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: Đ.Y

Thành phố Pleiku có số đối tượng BTXH nhiều nhất tỉnh với 6.156 người. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố-thông tin: “Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố thường xuyên phối hợp triển khai các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế tại cộng đồng. Đồng thời, duy trì các hoạt động trợ giúp đột xuất cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, người cao tuổi và người thân chăm sóc đối tượng BTXH”.

Các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực chung tay chăm lo cho các đối tượng BTXH. Đơn cử như Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Vào mỗi dịp lễ, Tết, Công ty đều cử đoàn cán bộ trực tiếp đến thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng BTXH đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH tổng hợp tỉnh, Làng trẻ em SOS Pleiku, chùa Bửu Châu (TP. Pleiku). “Chúng tôi mong muốn những mảnh đời éo le có cuộc sống đủ đầy hơn”-Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Hiện toàn tỉnh có trên 45.500 người thuộc đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Dù chế độ trợ cấp được thực hiện kịp thời, đúng quy định nhưng đa phần các đối tượng BTXH đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng lao động. “Vì vậy, rất cần sự quan tâm, sẻ chia của nhà hảo tâm, doanh nghiệp để các đối tượng BTXH có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Về phía Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng BTXH. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội; từ đó, chung tay chăm lo cho các đối tượng này”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên khẳng định.

Có thể bạn quan tâm