Bạn đọc

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã tiến hành những đợt phun rải chất độc hóa học đầu tiên và nhiều nhất xuống tỉnh Gia Lai. Do vậy, di chứng và ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với tỉnh rất nặng nề. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 13.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó trên 7.000 người bị nhiễm trực tiếp và khoảng gần 6.000 người bị nhiễm gián tiếp, nhiều người là phụ nữ, trẻ em; nhiều người trong số họ đã qua đời… Hàng ngàn người và cả con, cháu họ bị dị dạng phải sống lay lắt trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra.
 

Các nạn nhân chất độc da cam đang điều trị, phục hồi chức năng. Ảnh: C.T.V
Các nạn nhân chất độc da cam đang điều trị, phục hồi chức năng. Ảnh: C.T.V

Để góp phần khắc phục hậu quả của chất độc hóa học, giảm bớt khó khăn cho nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh, cuối năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai đã được thành lập. Qua gần 12 năm hoạt động, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Hội, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan và với sự năng động, sáng tạo của cán bộ Hội các cấp đến nay Tỉnh hội đã triển khai, xây dựng và thành lập được tổ chức Hội ở 17/17 huyện, thị xã, thành phố; 93/120 tổ chức cơ sở Hội ở xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện thành lập Hội; 259 chi hội ở thôn, làng, tổ dân phố với trên 7.200 hội viên đang tham gia sinh hoạt trong các tổ chức Hội ở cơ sở.

Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp, ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh được trên 13 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên, Tỉnh hội đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới và sửa chữa 38 căn nhà với số tiền trên 1,6 tỷ đồng cho những gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở; cho các gia đình nạn nhân khó khăn vay vốn không lấy lãi để sản xuất, tăng gia, chăn nuôi với số tiền gần 1 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết và Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” hàng năm là 16.123 suất quà với số tiền gần 4 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn, trao học bổng, tặng sổ tiết kiệm, thăm hỏi ốm đau, hỗ trợ nuôi dưỡng tại gia đình cho 10 hộ ở huyện Chư Pah với số tiền 158 triệu đồng.  

Năm 2011, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Trung ương Hội, Trung tâm Nuôi dưỡng Phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật trong tỉnh đã được thành lập. Sau gần 5 năm hoạt động, Trung tâm đã thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc bình quân 30 cháu/năm. Qua một thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị, nhìn chung, các cháu đều phục hồi sức khỏe tốt, có ý thức trong sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân và ít ốm đau… Theo nguyện vọng của gia đình và các cháu là muốn được học chữ, học nghề và ở lại lâu dài tại Trung tâm, hiện Trung tâm đang hướng dẫn các cháu học văn hóa, vi tính, học may và mỹ thuật.

Đầu năm 2014, theo đề xuất của Thường trực Tỉnh hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 2168/KH-UBND về hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đồng thời cho phép Tỉnh hội xây dựng nhà xông hơi giải độc cho nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. Sau khi có chủ trương và được hỗ trợ một phần kinh phí, Thường trực Tỉnh hội đã khẩn trương xúc tiến làm các thủ tục xây dựng 2 công trình (nhà xông hơi-giải độc và nhà ở cho nạn nhân đến xông hơi); cử cán bộ đi đào tạo, tiếp thu quy trình chuyển giao công nghệ xông hơi-giải độc của tỉnh Thái Bình… Đến ngày 5-6-2015, công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Qua hơn một năm hoạt động, nhà xông hơi-giải độc của Tỉnh hội đã thực hiện được 11 đợt với 170 lượt người tham gia đạt kết quả tốt, vượt kế hoạch tỉnh giao (kế hoạch 100 lượt người/năm).

Những việc làm ý nghĩa đó thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế-xã hội, các nhà hảo tâm và nhân dân cũng như sự cố gắng của các cấp Hội. Qua đó, đã góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh. Tuy nhiên, so với sự mất mát to lớn của các nạn nhân chất độc da cam thì những cố gắng bù đắp đó vẫn còn rất nhỏ bé. Vì vậy, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, với tinh thần: “Đoàn kết-nghĩa tình-trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh mong muốn các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ, đóng góp Quỹ Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh, góp phần giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ để lại trong chiến tranh ở Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng và tri ân những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Phan Hồng Mẫn

Có thể bạn quan tâm