Những năm qua, nhờ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, bộ mặt nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn ở Gia Lai đã khởi sắc. Nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, giải quyết cơ bản những bức xúc về cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vật chất để thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định đời sống của nhân dân. Những đóng góp của các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo là không thể phủ nhận.
Xây dựng kênh mương nội đồng. Ảnh: Đức Thụy |
Ông Rcom Tam- Chủ tịch UBND xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa nhận xét: “Các hợp phần đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa mang lại hiệu quả. Xã Chư Băh phối hợp với Trường Dạy nghề thị xã Ayun Pa mở lớp hướng dẫn nông dân làm nấm rơm khá kỹ. Một hoặc 2 năm đầu triển khai thì người dân làm theo, sau đó dần dần họ bỏ hẳn. Ngược lại những loại cây, con giống cấp theo nhu cầu của người dân thì hiệu quả mang lại rõ rệt. Các hộ người dân tộc thiểu số ở đây mong muốn được hỗ trợ dê sinh sản vì phù hợp với khí hậu và tập quán chăn nuôi”.
Cuối năm 2009, Ban Dân tộc Hội đồng Nhân nhân tỉnh đã có đợt giám sát công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả giám sát cho thấy vấn đề đầu tư giống cây trồng, vật nuôi cho người dân tộc thiểu số một cách tràn lan, không theo nhu cầu thực tế từng địa phương và người dân trực tiếp được thụ hưởng nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau nhiều năm triển khai Chương trình 135 nhưng chủ đầu tư chưa định hình được loại cây trồng, vật nuôi nào thích hợp với điều kiện tự nhiên cũng như phong tục tập quán của người dân.
Đầu tư giống cây trồng, vật nuôi phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của dân. Ảnh: A.K |
Năm 2010 là năm cuối thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và tới đây sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn III nên những bất cập trên cần được khẩn trương khắc phục để đảm bảo hiệu quả của chương trình.
Anh Khoa