Khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội; nhiều mô hình liên kết, hợp tác được thực hiện trên cơ sở tôn trọng bản chất của kinh tế tập thể. Các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể giúp những thành viên tham gia hợp tác không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
HTX Sunfood Đà Lạt đang là mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả |
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tỉnh Lâm Đồng có 460 hợp tác xã, 4 Liên hiệp hợp tác xã, 372 tổ hợp tác. Trong 460 hợp tác xã có 359 hợp tác xã nông nghiệp, 38 hợp tác xã công thương, 25 Quỹ tín dụng nhân dân, 32 hợp tác xã vận tải, 4 hợp tác xã dịch vụ du lịch, 2 hợp tác xã xây dựng. Nổi bật hơn cả là sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp và các Quỹ tín dụng nhân dân. Tổng vốn điều lệ đến 31/12/2021 đạt 771,811 tỷ đồng (trung bình 1 hợp tác xã đạt 1,67 tỷ đồng). Tổng số thành viên trong các đơn vị kinh tế hợp tác khoảng 70.200 thành viên.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để cụ thể hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh và của 12 huyện, thành phố thuộc tỉnh đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể và hợp tác xã ngày càng được củng cố; sự lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được tăng cường; Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò đối với sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Các hợp tác xã nông nghiệp không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng hoạt động cũng không ngừng được cải thiện, thực hiện tốt vai trò tổ chức sản xuất, thu mua, sơ chế và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên; ngày càng nhiều mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Các Quỹ tín dụng nhân dân có sự tăng trưởng ổn định; các chỉ tiêu về vốn, huy động, cho vay, kết quả kinh doanh đa số đều đạt so với kế hoạch đề ra… Nguồn vốn từ các Quỹ tín dụng nhân dân đã tạo điều kiện cho các thành viên phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ thành viên, giúp các thành viên đầu tư sản xuất đúng thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của các thành viên.
Có thể khẳng định, nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên toàn tỉnh đã được nâng cao; giúp thay đổi cơ bản về tổ chức bộ máy, phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; số lượng và chất lượng hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng phát triển mạnh và tốt hơn (tăng 376 hợp tác xã so với thời điểm năm 2001); mô hình hợp tác xã ngày càng lớn, hoạt động trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, hình thành các Liên hiệp Hợp tác xã; phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; trong đó việc liên kết tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là một phương thức tất yếu.
Các tổ chức kinh tế tập thể tăng cường ứng dụng tin học, công nghệ cao, điều khiển học hiện đại, đổi mới sáng tạo; thay đổi trong hiệu quả hoạt động theo chiều hướng tích cực, doanh thu và lãi ngày càng tăng, hỗ trợ hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị làm ăn hiệu quả; thay đổi trong cung cách, trình độ quản lý được nâng cao; thay đổi tích cực trong sự đóng góp và sự phát triển GRDP và ngân sách địa phương, giải quyết nhiều việc làm cho Nhân dân; hình thành các tổ chức đảng, đoàn thể trong khu vực kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, tại Lâm Đồng, tỷ lệ hợp tác xã làm ăn có hiệu quả còn chưa cao, vẫn còn tình trạng các hợp tác xã thành lập chưa xuất phát nhu cầu thực tế của các thành viên mà vì những mục đích khác như để đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch được giao, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới...; tỷ trọng đóng góp GRDP khối kinh tế tập thể trong tổng sản phẩm xã hội còn thấp và tốc độ tăng trưởng còn chậm (năm 2003: 3%; năm 2013: 0,61%, năm 2015: 1%, năm 2016: 1,1%, năm 2021: 1,24%).
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cá nhân và các tầng lớp Nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy về lĩnh vực kinh tế tập thể; hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; khẳng định vai trò, trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới…
Theo LÊ HOA (Báo Lâm Đồng)