(GLO)- Là một kênh vốn chủ yếu của người nghèo trên địa bàn huyện Chư Sê, tín dụng chính sách là nhân tố tích cực hỗ trợ “cần câu” để hàng ngàn hộ vay cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn thường nhật. Đồng thời cũng là cầu nối gắn kết giữa chính quyền địa phương, hội đoàn thể với người dân khi cùng chung mục tiêu phấn đấu xóa đói giảm nghèo bền vững...
Trong vai trò đầu mối tuyến cơ sở, từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch Chư Sê thuộc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chủ động gắn kết hoạt động tín dụng chính sách với mục tiêu giảm nghèo-bảo đảm an sinh xã hội theo hướng tích cực, bền vững. Với tiền đề đó, 100% nguồn vốn cân đối từ trung ương và huy động tại địa phương đã được Phòng Giao dịch triển khai giải ngân cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các chương trình giải quyết việc làm, phát triển sản xuất tại vùng khó khăn cũng như giải quyết nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn...
Thông qua mạng lưới hoạt động từ 268 tổ tiết kiệm và vay vốn với 10.690 hộ vay trên toàn huyện, có thể nói chính các hạt nhân này đã và đang góp phần chuyển tải quay vòng hơn 200 tỷ đồng vốn chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thúc đẩy và hỗ trợ hộ vay phát triển sản xuất ngay tại địa bàn hoạt động. Điều đáng ghi nhận là, không chỉ hộ vay vốn, tổ vay vốn mà ngay cả chính quyền, đoàn thể các cấp đều xác định tín dụng chính sách là công cụ, là “cần câu” để xóa đói giảm nghèo và là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới. Do đó, hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn được diễn ra thông suốt, giao ban hàng tháng đều đặn chuyển tải kịp thời chế độ chính sách của Nhà nước. Ở các hội đoàn thể đã từng bước đưa hoạt động tín dụng chính sách đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng ở mỗi tổ vay vốn cũng như thể hiện cụ thể vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở. Hoạt động ủy thác qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên chiếm tới 99,98%/tổng dư nợ, đạt gần 215 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,4% dư nợ ủy thác. Các chương trình có dư nợ lớn là cho hộ nghèo vay vốn với 65,7 tỷ đồng, cho học sinh-sinh viên vay vốn với 53,1 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn với 29,9 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường với 20,3 tỷ đồng.
Phòng Giao dịch Chư Sê đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2015: huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 8,4 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 31-12 đạt 221 tỷ đồng; nợ quá hạn dưới 0,2%/tổng dư nợ; thu lãi đạt 100% kế hoạch; tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại khá, tốt chiếm trên 95%. |
Bên cạnh việc chuyển tải vốn tín dụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu hộ vay, Phòng Giao dịch đặc biệt quan tâm đến việc triển khai chính sách mới về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/QĐ-TTg. Chỉ trong tháng 9 và 10-2015, Phòng đã giải ngân 3 tỷ đồng/2 đợt vốn cho hộ mới thoát nghèo, với mức vay bình quân 25-30 triệu đồng/hộ. Đây cũng là chương trình được đánh giá giàu tính nhân văn và thiết thực, bởi qua công tác khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ thoát nghèo của huyện Chư Sê khoảng 4,2%/năm; số hộ nghèo cuối năm 2014 là 2.990 hộ; riêng giai đoạn 2012-2014 toàn huyện có khoảng 6.000 hộ mới thoát nghèo. Đây cũng là đối tượng rất cần tiếp sức, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để duy trì hoạt động sản xuất, tránh nguy cơ tái nghèo vẫn luôn hiện hữu. Song song với chương trình này, Phòng đã kịp thời tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng Quản trị huyện chuyển nguồn thu nợ chương trình hộ nghèo 1,5 tỷ đồng sang cho vay hộ cận nghèo.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Tấn Long-Giám đốc Phòng Giao dịch Chư Sê, từ sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, thì hoạt động của đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử, từ khâu xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị đã thực sự rõ nét, quyết liệt hơn và nâng tầm về mọi mặt. Ở góc độ cơ sở, chất lượng tín dụng ủy thác được nâng cao rõ rệt khi công tác xử lý nợ thực hiện gắt gao hơn, tỷ lệ thu nợ đạt tới 145% so với cùng kỳ năm 2014; 55% doanh số cho vay là từ nguồn thu nợ quay vòng các chương trình tín dụng, đến hết quý III đã đạt 100% kế hoạch cho vay, không để xảy ra tình trạng tồn vốn.
Sơn Ca