Chính trị

Tin tức

Chuyện Chánh tổng theo Cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt quãng thời gian tham gia hoạt động cách mạng của mình, tôi nhớ nhất có lẽ là chuyện về ông Đinh Hơh-một cơ sở cách mạng bị Pháp bắt tra tấn tù đày và giết hại hết sức dã man. Ông Đinh Hơh là người Bahnar ở làng Đe Tơnang, xã Yang Nam, huyện Đak Bớt (nay là xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai). Ông từng làm Chánh tổng trong thời kỳ Pháp còn chiếm đóng, nhưng khi được Đội Vũ trang tuyên truyền giác ngộ thì đã trở thành cơ sở nội tuyến của ta.

Một lòng theo cách mạng

Sau khi trở thành cơ sở cách mạng, ông Hơh được ta giáo dục nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước và khí tiết của người cách mạng chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho đồng bào và Tổ quốc mình. Ông Hơh cảm thấy vinh dự, tự hào khi là một cơ sở cách mạng và tích cực hoạt động bí mật trong hàng ngũ địch. Ông đã nắm rất chắc tình hình, cung cấp kịp thời, chính xác về âm mưu, thủ đoạn, thời gian, địa điểm.. mà Pháp sắp tổ chức đánh phá nhằm triệt phá các cơ sở cách mạng, dập tắt phong trào kháng chiến chống Pháp trong vùng chúng còn kiểm soát.

 

Một góc xã Yang Trung (huyện Kông Chro)-quê hương của Chánh tổng Đinh Hơh. Ảnh: Đ.T

Khi có được thông tin do ông Hơh cung cấp, ta chẳng những chủ động bảo vệ an toàn cho cơ sở, giữ vững tổ chức, mà còn “tương kế tựu kế” đưa địch vào tròng, tiêu diệt ngay từ loạt súng đầu khi chúng vừa dẫn xác đến, làm thất bại hoàn toàn âm mưu “bình định” của Pháp. Ông Hơh còn bí mật tuyên truyền giác ngộ, vận động hàng chục người trong hàng ngũ ngụy quyền  đi theo kháng chiến, giúp đỡ nhân dân che giấu, nuôi dưỡng, tạo mọi thuận lợi cho Đội Vũ trang tuyên truyền của chúng tôi bám trụ địa bàn hoạt động và các lực lượng của trên ra quân đánh địch.

Sau khi bị gián điệp phát hiện, ông Đinh Hơh bị Pháp bắt năm 1949. Từ bọn đồn trú Pơbah đến mật thám An Khê, rồi phòng nhì Pháp ở Pleiku đều không bỏ sót một thủ đoạn, hành động nham hiểm, độc ác, dã man nào đối với ông. Thân thể ông tơi tả như lươn dần trên thớt, chỉ có con tim, lá gan của người cơ sở cách mạng trong ông vẫn trơ trơ như đá, giữ chặt cái môi, không hở ra bất cứ điều gì mà bọn Pháp muốn biết.

Tuy không có chứng cứ để buộc tội, kết án nhưng bọn Pháp vẫn đưa ông trở lại đồn Pơbah hành quyết nhằm uy hiếp tinh thần kháng chiến chống Pháp của nhân dân ở vùng này.

Kiên trung giữa nanh vuốt kẻ thù

Ngồi trên chiếc xe chở tù kín như bưng, tay chân bị còng, xung quanh ông là những họng súng đen ngòm, hàng chục mũi lê nhọn hoắt trong tay những tên lính áp giải mặt lạnh như tiền đang lăm lăm hướng vào ông. Đến đồn Pơbah, trời đã tối, bọn lính đồn lôi ông vào phòng giam mở xích, tra chân ông vào cùm gỗ, đóng sầm cửa, khóa chặt, canh giữ bên ngoài.

Với thủ đoạn xảo quyệt, thâm độc, bọn Pháp dùng chiêu bài đánh vào tình cảm, bằng cách dẫn mẹ và vợ con ông Hơh vào để thuyết phục ông đầu hàng khai báo. Tuy nhiên, chúng đã thất bại hoàn toàn, sau khi nghe được lời ông Hơh nói với mẹ mình: “Con có lỗi với mẹ. Con xin mẹ tha tội bất hiếu cho con!”. Ông Hơh nhìn vào mặt vợ, đưa tay quàng đứa con vào lòng, có lẽ ông định nói điều gì đó với vợ, nhưng bọn lính đã kéo mẹ và vợ con ông ra ngoài. Sau đó, chúng lôi ông đến trói vào chiếc cột chôn sẵn dưới một xà ngang to, cao, có treo sẵn một dây thòng lọng, mặt ông hướng về đám đông dân làng bị Pháp cưỡng bức lùa vào đồn để xem Pháp “xử tội Việt Minh Cộng sản”.

Tên lính Pháp ra hiệu lệnh cho đám đông im lặng, rồi chỉ vào ông Hơh và nói: “Thằng này tên là Đinh Hơh làm Chánh tổng cho Pháp, Pháp đối xử với nó rất tốt, nhưng nó vong ơn bội nghĩa, phản bội Pháp, đi làm Việt Minh Cộng sản chống lại Pháp. Tội nó nặng lắm không thể buông tha, nó phải chết hôm nay!... Đồng bọn của nó là người Bahnar vùng này sẽ lần lượt chết sau, vì Hơh đã khai cả rồi, đứa nào muốn sống thì tự ra đầu thú, sẽ được khoan hồng tha tội chết!...”.

Ông Hơh thét lớn: “Thằng Pháp nói láo đấy! Tôi không khai báo gì đâu. Bà con đừng nghe cái miệng độc ác của Pháp! Thằng Pháp nói Việt Minh Cộng sản xấu nhưng chưa nghe Việt Minh Cộng sản giết người Bahnar vô tội bao giờ? Còn bọn Pháp-chính thằng Pháp Lơ Gôi đây đã giết hại hàng trăm người Bahnar vô tội ở tổng này”. Sau lời tố cáo của ông Hơh, tên Pháp bước tới đưa tay nâng cằm ông Hơh lên, chỉ chiếc dây thòng lọng, cười nham hiểm, hỏi ông Hơh và hắn tự giải thích: “Mày có biết cái gì đây không? Đó là chiếc thang thần chết thả xuống để rước mày đấy. Vậy trước khi trèo lên thang ấy, mày còn gì ân hận, nuối tiếc không? Nói đi!”. Ông Hơh cười khinh bỉ và dõng dạc nói: “Tao rất tiếc là bị bọn quỷ dữ giặc Pháp chúng mày giết tao sớm quá, không kịp tận mắt chứng kiến ngày tận số của chúng mày-khi Việt Minh toàn thắng!”. Câu nói của ông Hơh như một nhát búa bổ vào cái đầu thực dân đen tối của tên Pháp, hắn trông sang đám lính và gầm lên: “Đúng là tên Việt Minh Cộng sản cứng đầu, treo cổ nó lên !”.

Lợi dụng lúc bọn lính đang còn loay hoay mở dây trói, ông Hơh nhìn thẳng vào mặt tên Pháp và hô lớn: “Đả đảo giặc Pháp dã man! Bà con hãy nhớ lấy lời tôi, đừng nghe theo cái miệng thằng Pháp! Pháp nhất định sẽ bị tiêu diệt! Việt Minh nhất định thắng lợi!”. Những âm thanh đanh thép vừa vang đến tai mọi người thì chiếc ròng rọc trong tay bọn chúng đã quay lên, chân ông bị kéo lên khỏi mặt đất, chiếc dây thừng đã cắt đứt đời ông nhưng lời nói của ông vẫn còn vang vọng mãi giữa núi rừng Kông Chro bao la.

Với tinh thần quả cảm, kiên trung, một lòng một dạ với cách mạng, căm thù Pháp xâm lược, Chánh tổng Đinh Hơh đã được Đảng, Nhà nước công nhận danh hiệu “Liệt sĩ”. Phần mộ của ông nằm cạnh chân đồi Tơnang soi bóng xuống dòng sông Ba hiền hòa xuyên qua dải đất Kông Chro tươi đẹp và anh hùng. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết và Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), dân làng và các thế hệ thanh niên, bạn bè đến viếng ông với tấm lòng ngưỡng mộ như bao anh hùng liệt sĩ khác trên khắp quê hương đất nước đã hiến thân vì sự nghiệp độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Trịnh Văn Cư
Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ayun Pa

Có thể bạn quan tâm