Chuyện chưa biết về xóm Gà Cồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáu, bảy mươi năm dâu bể, đến mấy đời người nên sự thay đổi là điều không thể khác. Trong dòng chảy thời gian và biến thiên thời cuộc, thương hiệu Gà Cồ, dốc Gà Cồ, xóm Gà Cồ vẫn còn song đã khác xưa. Một thoáng bâng khuâng nghĩ về quá vãng rồi lập tức trở về thực tại với bao điều mới mẻ, đổi thay như một tất yếu.
Má ơi đến tiệm con gà...
Anh Lê Văn Phước (62 tuổi, 420 Hùng Vương, TP. Pleiku) đeo khẩu trang đứng bên trong quầy tiếp chuyện có phần e dè. Hẳn vì anh sợ dịch bệnh nên cảnh giác vậy thôi chứ trao đổi một lúc, tôi thấy anh rất hiền và nhiệt tình. Đứng bên biển hiệu có chữ Gà Cồ rõ to kèm hình ảnh con gà cùng dòng quảng cáo “Trung tâm đầm bầu” dựng bên hiên nhà, tôi có dịp trao đổi với người con thứ 4 của ông chủ tiệm tạp hóa Gà Cồ nổi tiếng một thời-ông Lê Văn Thăng.
Theo anh Phước, ba anh người Quảng Ninh di cư vào Nam sau năm 1954. Ông vào trước, sau mới chuyển vợ (bà Đỗ Thị Lý-P.V) cùng 2 con là chị Tuyết, anh Mã vào sau. Sau này, ông bà sinh thêm 5 người con nữa và hiện phần lớn đều sống ở Pleiku.
Tiệm tạp hóa Phước ở xóm Gà Cồ. Ảnh: Thất Sơn
Tiệm tạp hóa Phước ở xóm Gà Cồ. Ảnh: Thất Sơn
“Lúc đó khoảng năm 1957, Pleiku rất hoang sơ, chỉ chừng vài chục nóc nhà thưa thớt, gọi nhau có khi không nghe, đường sá hầu như chỉ là đường đất”-anh Phước kể. Theo kinh nghiệm phong thủy truyền thống, ông Thăng trèo lên rẻo đất cao nhất (khu vực Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai bây giờ) để quan sát và chọn vùng đất sát đường đi chính, gần nhà thờ Thánh Tâm làm nơi cư ngụ. Ông quyết định đặt tên cơ sở kinh doanh của mình là tiệm tạp hóa Gà Cồ với ý nghĩa chăm chỉ, siêng năng, trung thực thì chắc chắn sẽ thành công, phát đạt.  
Trong một lần trao đổi với báo chí, anh Mã cho rằng: Ban đầu, cơ sở làm nghề xay xát, tiếp xúc với tấm cám, gạo thóc hàng ngày nên ba anh nghĩ đến hình ảnh con gà siêng năng bươi bới tìm nhặt thóc gạo và vững tin chăm chỉ ắt sẽ thành công. Nghĩ thế nên ông cho đẽo một con gà trống lớn bằng gỗ đặt phía trước nhà và vẽ biển hiệu là Tiệm Gà Cồ (sau năm 1975 kinh doanh thêm cơ khí và thay con gà cồ gỗ bằng sắt đặt trên ban công, còn bây giờ chỉ thấy biển Gà Cồ không thôi, mà đến mấy biển trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku).
Nhạc sĩ Ngọc Tường-nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, cư dân khá lâu năm ở đô thị này kể: Khởi thủy cùng với con gà cồ bằng gỗ, ông Thăng còn sáng tác và cho viết lên biển hiệu 2 câu: “Má ơi đến tiệm con gà/Mua hàng hạ giá, có quà cho con”. Đây là bí kíp kinh doanh khá “thâm hậu” của ông chủ khi học vấn chỉ chừng lớp 5. Hình ảnh con gà cồ bằng gỗ ngộ nghĩnh, 2 câu ca như vè chân chất, dễ hiểu đập vào mắt và trí nhớ người qua đường dù chỉ một lần nhìn thấy cũng như cách kinh doanh bán hàng kèm theo “quà” khuyến mãi chủ yếu là bánh kẹo đã đánh trúng tâm lý trẻ con, các bà nội trợ.
“Không phải ở cái vỏ ngôn ngữ liên quan đến gà”-chị Tín (con út ông Thăng, trú tại 540 Hùng Vương, chủ cơ sở Gà Cồ Store kinh doanh thời trang quần áo gần 2 năm nay) giải thích. “Thực tế, tiệm tạp hóa Gà Cồ luôn bán hàng chất lượng nhưng giá cả phải chăng, lấy ít làm lời, có thể bán chịu, bán nợ. Lúc cao điểm, người An Khê, Đak Đoa, Đức Cơ, Kon Tum... nườm nượp tìm đến tiệm Gà Cồ mua hàng. Trực tiếp chỉ đạo, coi sóc việc buôn bán là mẹ tôi phúc hậu, hiền lành. Hàng hóa tiệm Gà Cồ từ than củi, phân bón, hạt giống, lương thực, thực phẩm đủ cả. Song dù sao cũng phải thừa nhận cách bán hàng kèm quà khá hút khách, chẳng riêng gì trẻ con mà cả với người lớn. “Chiêu” này chính là nghệ thuật marketing phổ biến ngày nay”-chị Tín cho biết.
Làm ăn “lớn” nên ông Thăng quan hệ rộng, đi đó đi đây, thường vào Sài Gòn lấy hàng. Chị Tín cho biết mẹ chị sở hữu không dưới 50 căn nhà ở Pleiku. Một dọc đường Hùng Vương từ sát nhà thờ Thánh Tâm đến gần ngã ba Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân đều của cơ sở Gà Cồ, chiều sâu thì băng qua suối đến tận đường Ngô Gia Khảm, lúc nhỏ chị không sao đi hết. Anh Phước cho biết, ba mình là người quảng giao, mất lúc còn rất trẻ, chỉ 52 tuổi, bệnh vì uống rượu nhiều.
Đổi thay cùng thời cuộc    
Sau giải phóng 1975, xóm Gà Cồ đã có nhiều thay đổi. Theo anh Năm Dũng-một cư dân lâu năm ở xóm này, bà con xóm Gà Cồ tứ tán trong chiến tranh lần lượt trở về hòa nhập vào cuộc sống mới. Họ sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, hưởng ứng công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, duy trì sản xuất, ngành nghề kinh tế vốn có trước đây, bảo vệ trật tự trị an xóm phố. Gia đình ông chủ tiệm Gà Cồ cũng trở lại kinh doanh, thêm nghề cơ khí, làm nông nghiệp. Chị Tín kể bà Lý từng cùng hàng chục hộ dân xóm phố vào Hàm Rồng khai hoang trồng mì, bắp, rau màu để cải thiện thu nhập. Tiếp chúng tôi, chị Chín (hẻm 540/1/5 Hùng Vương) cho biết: Chồng chị là anh Võ Thành Tâm đang vào khu đất sân bóng phường Chi Lăng thu hoạch cà phê. Đây là phần đất anh chị khai hoang từ sau 1975, nay còn chừng 500 cây cà phê. Hiên nhà chị, mấy bao cà phê chất đống, số khác phơi trên bạt trước khoảng sân nhỏ.
Sau công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, chuyện làm ăn của người xóm Gà Cồ thêm phần hào hứng. Bà con sôi nổi bàn cách làm ăn, mở rộng và phát triển ngành nghề, dịch vụ. Từ một khu dân cư nhếch nhác, chật chội, người từ nhiều nơi đến cư ngụ, làm ăn, gắn bó. Nhà cửa, đường sá, điện thắp sáng, nước sạch được quan tâm đầu tư dưới nhiều hình thức. Người xóm Gà Cồ dần ăn nên làm ra, nổi tiếng với nghề làm bún, bột mì, cơ khí, thợ hồ, mua bán phế liệu...
Riêng ông bà chủ tiệm Gà Cồ sau khi qua đời, những người con nối nhau kế tục sự nghiệp, ngành nghề kinh doanh dần đổi khác, thu hẹp. Họ vẫn gắn biển Gà Cồ nhưng thiên về thời trang quần áo. Cơ sở của anh Mã thì cho thuê, cơ sở của chị Tuyết bán hàng mỹ phẩm, cơ sở của anh Phước kinh doanh đầm bà bầu, cơ sở của chị Tín là shop quần áo nói chung.
21 năm “đứng đầu” xóm Gà Cồ  
Đến nhà lần thứ 2 tôi mới gặp được anh. “Là vì tôi vừa đi vận động một số tổ chức, cá nhân ủng hộ được 50 suất quà để tặng cho các gia đình khó khăn đột xuất, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết tới đây”-anh Nguyễn An-đại biểu HĐND phường Phù Đổng, Tổ trưởng tổ dân phố 2-cho biết. Gia đình anh An trước đây ở dưới giáo xứ An Sơn (An Khê), đến năm 1970 mới chuyển lên Pleiku sinh sống tới giờ. Nhiệt tình làm công tác xã hội, anh được tổ chức, bà con khu phố yêu thương, tín nhiệm. Chỉ riêng việc các cụ tin tưởng ủy quyền cho anh nhận thay chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng cũng đủ biết anh nhiệt tình và niềm tin người dân dành cho anh lớn như thế nào.
Xóm Gà Cồ ngày xưa giờ là khu phố trung tâm nhộn nhịp của Pleiku. Ảnh: Thất Sơn
Xóm Gà Cồ ngày xưa giờ là khu phố trung tâm nhộn nhịp của Pleiku. Ảnh: Thất Sơn
Khu vực xóm Gà Cồ nay thuộc tổ dân phố 2 (hợp nhất 3 tổ dân phố lại với nhau, thuộc phường Phù Đổng) nên quy mô dân số, địa bàn trải rộng. Tổ 2 có 432 hộ, 1.796 khẩu, 40% dân số theo đạo Công giáo, 50% theo đạo Phật. Là địa bàn trung tâm đô thị, tổ 2 được thành phố, phường, các ban ngành, đoàn thể quan tâm nên tình hình ổn định, bà con đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, trong tổ chỉ duy nhất 1 hộ cận nghèo do đông con, bệnh nặng. Anh An cho biết, tổ có khoảng 10% gia đình có người làm cán bộ, công chức nhà nước, còn lại buôn bán, lao động phổ thông.
Chừng 10 năm trước, đường đi lối lại trong tổ, nhất là các hẻm đều nhỏ hẹp, lầy lội, ẩm thấp. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, anh An đầu tàu kêu gọi vận động nên bà con đồng tình ủng hộ di dời hàng rào, dỡ bỏ vật kiến trúc để mở rộng đường đi lối lại, đóng góp kinh phí làm đường bê tông khang trang rộng rãi, mắc điện chiếu sáng góp phần làm cho giao thông của tổ khang trang, an toàn, thuận lợi khi đi lại, đảm bảo trật tự an ninh đêm cũng như ngày. Năm rồi, 98,7% số hộ trong tổ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. “Tôi nhớ hình như chỉ duy nhất năm 2007, vì có 1 thanh niên không đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nên tổ không được công nhận tổ dân phố văn hóa thôi”-anh An có vẻ tiếc.
Trong câu chuyện thân tình cũ, chị Chín không ngại ngần chia sẻ: “Anh An gần dân, uy tín lắm, khó ai bì kịp. Cứ thấy ảnh có 21 năm làm tổ trưởng ở đây, từ 1 tổ rồi sáp nhập 3 tổ làm một, ảnh cũng làm tổ trưởng là biết ảnh uy tín với bà con cỡ nào. Anh dành tâm sức cho khu phố, bà con trong tổ, việc chung lẫn việc riêng nên ai cũng thương, cũng quý. Bà con chỉ muốn anh An làm tổ trưởng mãi thôi”.
Hết lòng vì công việc nên anh An được tổ chức tin tưởng, bà con thương quý. Nhưng anh vẫn chưa hết áy náy băn khoăn. Đó là nhiều hộ dân ở sâu trong hẻm, sát suối, sử dụng nước giếng ô nhiễm nhưng chưa được cải thiện. Hiện tại chỉ khoảng 40% hộ dân trong tổ được sử dụng nước máy đảm bảo vệ sinh. Là đại biểu của dân, anh đã kiến nghị phường quan tâm giúp đỡ bà con việc này, cũng là vì mục tiêu xây dựng đô thị văn minh. “Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, trong đợt khảo sát vừa qua, 130/200 hộ diện có nhu cầu đã đồng thuận tham gia đóng góp lắp đặt hệ thống nước sạch. Tôi đề nghị bắt 3 đường ống chính dẫn từ đường Hùng Vương vào đến trung tâm khu dân cư để người dân được cấp nước sạch. Đầu năm tới, công tác này sẽ được triển khai. Bà con chắc sẽ mừng lắm”-anh An cho biết.
Thêm một nỗ lực đổi thay khu dân cư, thêm một thành tích trong hành trình đi tới, càng thêm yêu mến và tin tưởng người tổ trưởng của dân. Chuyện cũ, chuyện mới xóm Gà Cồ rõ ràng có nhiều điều hấp dẫn, thú vị, ngõ hầu có thể cung cấp thêm cho bạn đọc món ăn tinh thần ngày xuân.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm