Điểm đến Gia Lai

Chuyện cưới xin và làm nhà thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, chuyện giúp nhau làm nhà trong cán bộ, công chức, viên chức ở huyện Chư Păh (nay là Ia Grai) khá phổ biến. Cũng không có gì là ngạc nhiên bởi lứa cán bộ, công chức, viên chức này trưởng thành sau năm 1975 nên vấn đề tìm hiểu rồi xây dựng gia đình với nhau là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Còn nhớ, các cặp đôi tôi quen biết như: Bảo-Giao, Lai-Hà, Nguyên-Hoa, Tường-Mai, Quýnh-Tân, Hà-Phương, Thiện-Nguyệt, Tuyên-Phương... đều tổ chức đám cưới trong khoảng thời gian này. Bấy giờ, chuyện cưới xin cũng khá đơn giản. Nếu cơ quan và gia đình của 2 người đã đồng ý thì chỉ việc chọn ngày lành tháng tốt rồi tổ chức đám cưới, tất nhiên sau khi đã được chính quyền địa phương cấp giấy đăng ký kết hôn. Không in thiệp mời như bây giờ mà chủ yếu là mời miệng bởi ngoài đại diện gia đình 2 bên thì quan khách hầu hết cũng là đồng nghiệp trong cơ quan và một số bạn bè thân thiết của cô dâu, chú rể. Cơ quan cho giấy giới thiệu đến cửa hàng mậu dịch mua vài cân bánh kẹo, thuốc lá, trà… vậy là đã có thể dọn tiệc ngọt chiêu đãi. Ngày cưới không comple, cà vạt, không áo đầm, áo dài mà trang phục của cô dâu, chú rể chỉ mới hơn ngày thường mà thôi. Nơi tổ chức đám cưới vẫn là hội trường cơ quan nhưng được trang trí bằng một tấm phông lớn, ở giữa là chữ song hỷ hoặc đôi chim bồ câu ngậm 2 chữ cái đầu tên của cô dâu, chú rể; rồi thêm vào dòng chữ: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” hoặc “Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà/Thắm tình non nước thắm tình ta”. Quà đám cưới thường là những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống gia đình như: thau, chậu nhôm, chén bát, phích nước, ấm trà, chăn màn. Cặp đôi sau khi cưới thường xin ra ăn riêng và được cơ quan bố trí cho 1 phòng tập thể. Việc tiếp theo là phải làm được nhà bởi nếu thêm con nhỏ thì sinh hoạt khá phức tạp.

Năm 1979, anh Trần Văn Hạnh (Hiệu trưởng Trường PTCS xã Ia Grai, nay là Ia Tô) và vợ là chị Nguyễn Thị Bông chuyển từ xã Nghĩa Hòa về xã Ia Grai (tức B14). Thấy phòng ở tại khu tập thể giáo viên chật hẹp nên anh quyết tâm làm nhà. Nguyên vật liệu dường như có sẵn trong rừng. Vậy là, anh sắm 1 chiếc rìu cán bằng gỗ cây cầy rất chắc và dẻo, cứ hôm nào rảnh rỗi thì lại đi đốn gỗ. Những năm ấy, chuyện vào rừng chặt gỗ về làm nhà là bình thường. Cứ miệt mài như vậy mà sau học kỳ I, anh đã gom đủ gỗ cho một nhà rường, nào cột cái, cột hiên, xuyên, trính, kèo, rui… Xong đâu đó, anh chị tiếp tục đi cắt cỏ tranh. Cái giống cỏ thật lạ, chúng mọc đầy trên các sườn đồi, dưới thung lũng. Rễ nằm sâu dưới mặt đất dày đặc, cứ vào đầu mùa mưa chúng lại trồi lên, mọc um tùm, cao hơn nửa thân người. Mái nhà lợp cỏ tranh nếu lợp dày có thể chịu đựng mưa nắng đến hàng chục năm. Đi chừng vài ba hôm là đã cắt xong hàng chục bó lớn, buộc lại gánh về. Lại tiếp tục xuống các khu vực ven suối chặt tre, lồ ô để chẻ lạt, làm hom. Vào ngày chủ nhật, một số giáo viên thân thiết với anh chị kéo đến giúp đánh tranh, anh Hạnh thì dùng rựa bén bào sửa các cây cột, kèo… cho thẳng. Sau đó, anh thuê thợ mộc đo rồi cưa, đục mộng… Ngày dựng nhà, tất cả giáo viên trong trường đều đến giúp. Anh chị đã chuẩn bị bữa trưa với thực phẩm tươi để phục vụ anh em: cơm trắng, cân thịt heo, vài con gà, rau…, tất nhiên không thiếu vài chai rượu Canhkina mua ở cửa hàng mậu dịch.

Các giáo viên nam xúm nhau đỡ cột để thợ mộc tra các cây kèo, xuyên, trính vào. Rồi là đóng rui, mè rồi lợp. Cánh phụ nữ người lo cơm nước, người dùng sào tre đưa tranh lên mái. Xong phần mái thì đến phần vách, công đoạn này tốn khá nhiều công sức. Đầu tiên là đan các cây le với nhau làm sườn, mỗi ô rộng khoảng 15 cm2. Rồi đào hố đất dùng rơm rạ quăng xuống 2-3 người dùng chân đạp mạnh cho quyện bùn nhão. Sau đó cứ 2 người khiêng 1 cáng hỗn hợp bùn rơm cho người bên trong nhét kín vào các ô vách rồi chà láng. Vách đất khô khá chắc (nhà nào khá thì dùng cát pha với vôi tô thêm một lớp ngoài cho đẹp).

Năm học 1981-1982, tôi chuyển xuống Trường PTCS thị trấn huyện. Lại tiếp tục giúp anh Lai (Phòng Nông nghiệp), anh Phổ (Phòng Kế hoạch)… làm nhà. Bấy giờ, tiếng là thị trấn nhưng chỉ có 2-3 nhà lợp ngói còn lại đều lợp mái tranh, sang hơn là lợp tôn, Fibro xi măng, nhà bếp trát vách đất. Do đó, công đoạn đạp hố bùn nhào trộn với rơm rạ thì cánh hàng xóm với nhau như tôi và các anh: Bảo, Nhân, Hồi, Khánh, Hải… làm khá nhuần nhuyễn. Giúp nhau là chính, gia chủ cứ lo phần cứng trước, đến công đoạn trát đất thường là chủ nhật anh em đến xúm nhau ra tay chỉ hơn nửa ngày là xong.

Sau đó mấy năm, gia đình tôi chuyển ra Pleiku sinh sống, cảnh và người ở Ia Grai cũng thay đổi nhiều. Anh Hạnh chuyển xuống thị trấn huyện rồi bị bệnh qua đời đã vài chục năm; anh Trì, anh Lai, anh Nhân, anh Phổ cũng thế… Phố huyện giờ là một thị trấn sầm uất, toàn nhà xây, không còn một ngôi nhà nào lợp tôn, vách ván. Chuyện nhà lợp cỏ tranh, vách trát đất đã trở thành… cổ tích!

Có thể bạn quan tâm