Kinh tế

Chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Qua vài vụ trồng rau, anh Nguyễn Xuân Nam (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) đã không còn băn khoăn khi chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu bởi lợi nhuận từ rau màu đem lại khá cao.
Anh khẳng định: “Thuận lợi của vùng này là điều kiện thời tiết có thể trồng được rau quanh năm”. Anh so sánh, nếu 5 sào ruộng, canh tác đủ 3 vụ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư) nhưng chuyển sang trồng rau thì cho thu nhập gấp 3 lần. Làm lúa hiện nay chi phí cao nhưng giá lúa lại thất thường, chưa kể mất mùa.
Mô hình chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau của anh Nguyễn Xuân Nam mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Anh Khoa
Mô hình chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau của anh Nguyễn Xuân Nam mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Anh Khoa
Bà Nguyễn Thị Hồng, xã An Phú (TP. Pleiku) kể: Trước đây gia đình bà chỉ trồng lúa, thu nhập từ 6 sào chẳng đáng là bao nhiêu. Vụ được mùa, năng suất đạt 3,2 tấn/ha, trừ chi phí lời chưa đến 6 triệu đồng/vụ nên lúc nào gia đình cũng trong cảnh “thiếu trước hụt sau”. Năm 2003, thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển toàn bộ đất trồng lúa sang trồng các loại rau như: Cải xanh, xà lách, rau thơm… Mỗi năm trừ chi phí còn lãi gần 70 triệu đồng. Nhiều bà con nông dân ở xã An Phú cũng cho biết, nhờ chuyển sang trồng hoa màu, trồng rau mà cuộc sống đã khấm khá hơn.
Nông dân trồng rau tính toán rất chi ly. Khi giá cả vật tư nông nghiệp, thuốc, phân bón tăng cao, trong khi giá lúa không tăng hoặc tăng không đáng kể nên trồng lúa giá trị kinh tế thấp. So với trồng lúa, trồng rau cho thu nhập cao gấp 10 lần. Những nông dân có điều kiện luân canh 1 vụ lúa cộng với 1 hoặc 2 vụ dưa trên cùng một diện tích đất ruộng, nếu thuận lợi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày như rau, bắp, dưa, đậu. Việc chuyển đổi này không những mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn tránh thiệt hại do nắng hạn, sâu bệnh gây hại. Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên bị hạn cuối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân là chủ động được mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết từng vùng sao cho hiệu quả nhất.
Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm