Kinh tế

Chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang cây trồng khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Các tỉnh Tây Nguyên có trên 100.000ha cà phê trồng trên 20 năm, hết chu kỳ kinh doanh, đang bị giã cỗi. Những diện tích cà phê này năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, hiệu quả kinh tế không cao.

Trong số những diện tích cà phê cần phải tái canh, nhiều vườn cây trước đây trồng trên những vùng đất không thuận lợi như nguồn nước tưới hạn chế, tầng đất canh tác mỏng, độ dốc lớn... khiến việc tiếp tục tái canh mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, nông dân và các chủ trang trại phải trồng lại các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, đối với những vùng đất không phù hợp với cà phê, trồng các loại cây cao su, cacao và Maccadamia là thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong 5 năm trở lại đây, các huyện M’Đrắc, Krông Năng (Đak Lak) đã có một số mô hình chuyển đổi vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng cao su.

Bên cạnh đó, cây Maccadamia mới đưa về trồng thử nghiệm trên vùng đất Đak Lak và Đak Nông phát triển và sinh trưởng tốt. Đây là loại cây trồng cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao, trồng 3 năm đã bắt đầu cho quả, trồng hơn 4 năm là thời kỳ kinh doanh cho năng suất 7 kg hạt/cây, một số cây đạt 10-15 kg hạt/cây.

Kết quả này cho thấy, Maccadamia là cây trồng có triển vọng lớn thay thế những vườn cà phê già cỗi ở một số khu vực trên đất Tây Nguyên.
TTh

Có thể bạn quan tâm