Pháp luật

Tin tức

Chuyện ghi ở Trại giam Gia Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn 4 xã: Hà Ra, Ayun, Đak Ta Ley và Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Khuôn viên Trại khá rộng, nằm trong khu vực rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, cùng với đó, bọn tội phạm lợi dụng địa bàn làm phức tạp tình hình nên công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân vốn đã rất khó khăn lại càng nan giải bội phần.
Ngày 2-1-1976, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thành lập Trại giam Gia Trung với nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền và các loại tội phạm hình sự khác. 24 năm sau, vào năm 2000, Bộ Công an sáp nhập Trại giam T15 (thuộc Công an tỉnh Gia Lai) và Trại Gia Trung, lấy tên là Trại giam Gia Trung. Trại giam giữ hơn 2.000 phạm nhân, trong đó có hàng trăm đối tượng có hành vi xâm hại an ninh quốc gia.
Cần thấy thêm địa lý phức tạp mà Trại giam Gia Trung đứng chân. Hơn 4.000 ha nằm trên nhiều quả đồi bao bọc bởi những hàng cây xanh cũng như suối sâu, sông rộng. Hiện tại có 60% dân số của 13 làng đồng bào dân tộc Bahnar và Tày sinh sống trên địa bàn.
Đây là địa bàn còn khó khăn về kinh tế, tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các loại đối tượng phản động FULRO, “Tin lành Đê ga”, tà đạo “Hà Mòn”... thường xuyên nhen nhóm, hoạt động kích động đồng bào dân tộc thiểu số bỏ bê nhà cửa, ruộng vườn để gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết. Chúng luôn luôn gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sau giải phóng, vùng đất này luôn nổi lên vấn đề FULRO và từ năm 2001 đến nhiều năm sau đó là vấn đề “Tin lành Đê ga”, tà đạo “Hà Mòn” hoạt động dai dẳng. Đến năm 2019, ta mới triệt phá những đối tượng cuối cùng theo tà đạo “Hà Mòn”.
Cán bộ Trại giam Gia Trung trò chuyện cùng các phạm nhân. Ảnh: Duy Anh

Cùng với đó, các phân trại lại cách xa khu dân cư, chợ búa, hàng quán nên mọi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu đến cuối năm 2020, Trại có hơn 2.400 phạm nhân, trong đó có gần 160 phạm nhân có mức án tù chung thân, còn mức án 15-30 năm hơn 400 phạm nhân. Về độ tuổi thì muôn hình, vạn trạng. Dưới 18 tuổi gần 80 phạm nhân. Tuổi 18-30 chiếm tỷ lệ khá đông, gần 1.400 phạm nhân… Trong đó, có một số tên cực kỳ nguy hiểm như: P.V.Đ. (8 năm tù) phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước, T.T.V. (3 năm tù) phạm tội phá rối an ninh, T.M.H. (9 năm tù) phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước... Các đối tượng này luôn tìm mọi cách kết nối với thân nhân và những đối tượng khác để tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống... công tác giam giữ và cải tạo, giáo dục của Trại.
Một số loại tội phạm hình sự nổi lên như phạm nhân Đinh Xuân Lượng (SN 1989) đang cải tạo về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Qua quá trình giáo dục và cải tạo, cán bộ Trại số 2 phát hiện Lượng cùng với Võ Văn Hải (SN 1988, trú tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) và Trương Văn Thân (SN 1990, trú tại huyện Phú Thiện) đã trộm 2 chiếc xe máy và bán cho Nguyễn Anh Vững. Trường hợp khác là phạm nhân Vũ Minh Đức (SN 1977, trú tại Gia Lai) đang chấp hành hình phạt tù về tội “Trộm cắp tài sản” thì qua quá trình giáo dục đã phát hiện thêm Đức cùng 5 người khác trộm 23 bao lúa và 2 bao hạt tiêu khô. Sau khi phát hiện những hành vi trên, Trại giam Gia Trung đã thông báo cho Công an các địa phương nơi các đối tượng này gây án để thụ lý điều tra và xử lý theo thẩm quyền.
Phạm nhân nữ học nghề may tại Trại giam Gia Trung. Ảnh: Duy Anh
Một điều mà chúng tôi không ngờ nữa là từ Trại giam đã phát hiện ra 1 vụ giết người chôn xác từ lâu đã đi vào quên lãng. Đó là phạm nhân Nguyễn Văn Thắng (trú tại thị trấn Plei Cần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đang thụ án chung thân vì tội “Giết người” và “Trốn khỏi nơi giam”. Qua khai thác, giáo dục, Thắng đã khai nhận đã thực hiện 1 vụ giết người khác và đã chôn xác, phi tang tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Sau đó, Công an tỉnh Kon Tum xác minh làm rõ, nội dung Thắng khai là đúng sự thật và buộc hắn phải trả giá đắt cho hành động man rợ của mình.
Với hơn 60% số phạm nhân là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì trong số này không ít kẻ mang tư tưởng chống đối, tìm mọi cách để trốn trại gây rối an ninh trật tự. Một nguyên tắc bắt buộc phạm nhân phải nằm trong sự quản lý giáo dục của Trại thì nhất cử nhất động phải chịu sự giám sát bằng nhiều hình thức như: camera, cán bộ quản giáo và những người cùng cải tạo…
Tuy nhiên, trước năm 2010, trong các buồng giam, phòng giam thỉnh thoảng xuất hiện những vật cấm được giấu dưới chăn, quần áo, nơi ở của phạm nhân. Những vật này do các phạm nhân lén lút trao đổi với nhau. Thế nhưng, mọi hành vi vi phạm ấy được phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Trại giam Gia Trung là đơn vị tiên phong với cách làm khá độc đáo, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp vừa là biện pháp nghiệp vụ, vừa là biện pháp công khai, phân hóa các đối tượng phạm tội có tổ chức, có dấu hiệu móc nối, mua bán các đồ vật cấm đưa vào trại giam, tiến hành lắp đặt lại hệ thống điện thắp sáng, ti vi, quạt gió trong các buồng giam với mục đích tối ưu, phòng ngừa ngăn chặn những hành động xấu nhằm đảm bảo sức khỏe và học tập, cải tạo tiến bộ cho các phạm nhân. Qua khảo sát, Tổng cục VIII (nay là Cục Quản lý trại giam) đã đánh giá rất cao cách làm sáng tạo, hiệu quả của Trại giam Gia Trung, đồng thời triển khai cho hệ thống trại giam cả nước học tập.
Do làm tốt công tác nắm tình hình và diễn biến tư tưởng của phạm nhân để xử lý kịp thời những tình huống xảy ra nên Trại đã ngăn chặn nhiều tên tội phạm có những hành vi và hoạt động cực kỳ nguy hiểm. Đó là trường hợp đối tượng Nguyễn Công Hùng phạm liền 4 tội: “Trộm cắp tài sản”, “Chống người thi hành công vụ”, “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích” với mức án 26 năm tù. Hùng luôn nghĩ mọi cách để trốn ra ngoài.
Đầu tiên, Hùng khống chế 4 đối tượng cùng buồng giam quy phục theo mệnh lệnh của hắn. Sau đó, đối tượng dùng sợi chỉ nhúng kem đánh răng rồi vê xuống cát cho săn lại thành 1 sợi có chất nhám để cưa đứt ống nước (loại phi 32) trong phòng giam. Tiếp theo, hắn hơ qua bóng đèn điện làm cho ống mềm lại rồi dập thành vật sắc nhọn. Cứ thế, Hùng cùng đồng bọn đào nhà xuyên móng tường buồng giam để trốn trại. Nhưng rồi, hành vi ấy đã bị lực lượng Công an phát hiện. Theo đó, cùng với mức án gần 30 năm tù, Hùng tiếp tục mang trên mình những bản án dài hạn khác.
Phạm nhân đọc và làm theo sách báo tại Trại giam Gia Trung. Ảnh: Duy Anh
Một vụ trốn trại tập thể khác mà mới nghe tưởng như chỉ diễn ra trong phim. Các phạm nhân: Trần Văn Thái, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Tuấn Thanh, Mang Cường và Trần Thanh Nam đều là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, có mức phạt tù từ 18 năm đến chung thân đã đồng loạt vượt 3 lớp rào kẽm gai chạy trốn trước sự canh giữ nghiêm ngặt của Cảnh sát Bảo vệ buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải nổ súng cảnh cáo. Thoát khỏi tường cao, chúng đã lợi dụng rừng rậm, suối sâu, chạy tứ tán khắp nơi. Song bằng những biện pháp nghiệp vụ sắc bén, những phương án tác chiến phù hợp đã tính trước và chỉ sau 2 giờ đồng hồ cả 5 phạm nhân đều bị bắt giữ khi chúng chạy chưa xa khỏi Trại giam Gia Trung là bao.
Một việc làm nức lòng mọi người là Trại giam và Công an các địa phương đã phối hợp triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm qua nguồn tin của các phạm nhân tại Trại cung cấp. Đó là: Dương Nguyễn Thị Long, Dương Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đỗ Nguyên Tâm, Lưu Tấn Kiệt (cùng trú tại TP. Pleiku) cấu kết với Trần Quyền Sáng(trú tại TP. Hồ Chí Minh) để mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Hay 1 vụ buôn bán ma túy khác được thực hiện tại huyện Mang Yang, cũng có xuất phát từ nguồn tin ở Trại giam. Từ những thông tin này mà Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp lập chuyên án để triệt phá nhiều vụ liên quan tới ma túy lớn.
Nói về Trại giam Gia Trung thì chừng ấy là chưa đủ. Chúng tôi hy vọng gửi đến bạn đọc những nét chấm phá để phần nào hiểu thêm về một đơn vị 2 lần được Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
DUY ANH

Có thể bạn quan tâm