Xã hội

Đời sống

Chuyện lạc rừng của anh Bốn Hiển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi còn công tác, tôi rất có thiện cảm với anh chị em cán bộ ở An Khê bởi vì tính cách dân dã và trung thực, dễ gần, giống với tính cách của người “xứ Nẫu”. Với anh Bốn Hiển-cách gọi thân mật của anh em trong cơ quan dành cho anh Lê Thanh Hiển-nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Khê, qua vài lần gặp gỡ, tôi có cảm tình với con người có nụ cười hiền lành, đầu luôn đội chiếc mũ beret, giống như công nhân người Nga. Từ ngày anh về hưu, tôi và anh Đoàn Minh Phụng thường xuyên ghé về thăm anh Bốn Hiển và nghe anh kể chuyện thời đánh Mỹ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Nhơn Hạnh (An Nhơn, Bình Định), bước vào tuổi 20 khi quê hương đang chìm trong bom đạn, anh Lê Thanh Hiển xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi non sông. Anh và nhóm bạn lên Tây Nguyên, tìm đến Bàu Cạn, nơi sớm có phong trào đấu tranh công nhân đồn điền thời Pháp thuộc để kết nối với cơ sở, vừa đi hái chè vừa bí mật hoạt động cách mạng. Một thời gian sau, nhóm của anh Hiển bị lộ và được đội công tác đưa vào căn cứ cách mạng.

Từ khi chính thức thoát ly, anh Hiển được bố trí về Ban Tuyên huấn tỉnh, trong Tiểu ban tuyên truyền và được các anh đi trước hướng dẫn in litho (viết chữ ngược trên đá để in truyền đơn và tờ báo Đảng bộ). Sau đó, anh được điều chuyển qua Tỉnh đội. Đến năm 1967, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Năm 1967, phong trào cách mạng ở An Khê đã có bước phát triển mới. Số cán bộ do huyện quản lý đã có 46 đồng chí với 6 đội công tác và 7 chi bộ; một số đảng viên được tổ chức bố trí hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Lực lượng vũ trang An Khê được kiện toàn và ngày càng phát triển, đã phối hợp với bộ đội địa phương tiến công Sân bay Tân Tạo làm tiêu hao sinh lực địch.

Năm 1970, anh Hiển được tổ chức điều động về Huyện ủy An Khê làm Chánh Văn phòng. Ngoài công việc tham mưu giúp cấp ủy địa phương, anh còn tham gia hướng dẫn, đào tạo lớp thanh niên mới vào biết kỹ thuật in litho, chế tác mực in bằng các loại cây trái tự nhiên từ núi rừng để viết truyền đơn tuyên. Năm 1971, tình hình ở An Khê còn nhiều khó khăn phức tạp, địch ra sức thực hiện chính sách bình định-ấp chiến lược, đôn quân, bắt lính; một số cán bộ của ta bị địch bắt, có người đã chiêu hồi.

Bấy giờ, Huyện ủy An Khê còn 8 chi bộ với 27 đảng viên. Để đánh bại kế hoạch chiến tranh của địch, lãnh đạo huyện chủ trương thực hiện đồng loạt 3 mũi giáp công, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Anh Lê Thanh Hiển được Huyện ủy phân công đi công tác cơ sở cùng với 2 đồng chí liên lạc, được trang bị đầy đủ vũ khí. Chuyến đi này, nhóm công tác của anh đụng độ toán biệt kích Mỹ trong rừng sâu. Trước hỏa lực mạnh của bọn Mỹ, anh em vừa đánh vừa rút lui… Khi anh Hiển chạy ra xa tầm hỏa lực của địch và tìm lại đồng đội thì không thấy 2 đồng chí liên lạc. Trời nhá nhem tối, anh Hiển mất phương hướng, lạc vào vùng núi Hảnh Hót. Ban ngày, anh cẩn thận dò la, vừa đi vừa cảnh giác, đêm lại tìm nơi an toàn nghỉ chân.

Qua đến ngày thứ 2, anh Hiển đi thế nào lại lọt vào vùng có địch. Anh nâng khẩu AK lên nhắm vào từng tên, dự định bóp cò. Nhưng rồi anh hạ súng xuống. Anh nghĩ, mình chỉ có một mà nó đến 6 tay súng và biết đâu xung quanh đây còn những tốp lính Mỹ khác. Giờ có nổ súng thì chỉ vài ba thằng ngã xuống nhưng chắc chắn mình không thoát được. Hy sinh lúc này ở đây, đồng đội, cơ quan chẳng ai biết được… Thôi thì để chúng nó sống, mình cũng phải sống để xử lý chúng sau vậy. Anh tìm đường rút lui khỏi cứ điểm của địch.

Và như thế, cứ lẩn quẩn trong rừng sâu suốt 3 ngày 2 đêm, người đói khát, mệt rã rời, anh Hiển chỉ mong sao gặp được rẫy của đồng bào để nghỉ chân, may ra còn có cái gì lót bụng và tìm cách liên lạc với cơ sở. Hai đồng chí liên lạc trong nhóm đi công tác với anh Hiển, khi thoát ra khỏi vòng vây của địch cũng đã chủ động tìm kiếm thủ trưởng của mình, nhưng bặt vô âm tín. Nhận được tin anh Hiển mất tích, cơ quan bố trí anh em chia nhau đi tìm. Sau nhiều ngày vất vả, anh em cũng đã vui mừng tìm gặp được anh Hiển trong tình trạng kiệt sức.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), anh Hiển được tổ chức bố trí ra Hà Nội học chính trị, rồi chuyển về Đà Nẵng học văn hóa. Khi trở về An Khê, anh Hiển được phân công lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị như: Trường Đảng huyện, Ban Tuyên huấn Huyện ủy, rồi Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện An Khê. Từ năm 1990, anh được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (sau đó là Thị ủy) suốt 3 nhiệm kỳ. Ở cương vị nào, anh Hiển luôn là cán bộ gương mẫu, là trung tâm đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng và Nhân dân giao phó. Với những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, anh Lê Thanh Hiển được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng ba.

Có thể bạn quan tâm