Chuyện ở “xóm không chồng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thôn Tân Bình, xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai) có 103 hộ dân thì đến hơn 20 hộ phụ nữ đơn thân. Nhà nào cũng có một đứa con, hầu hết đều mang họ mẹ. Phụ nữ ở “xóm không chồng” ai cũng khó khăn, nghèo khổ nhưng đều nuôi con ăn học đàng hoàng.
Vào đầu những năm 1980, với phong trào đi kinh tế mới, người dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung lên Tây Nguyên lập nghiệp rất đông. Trong số đó, rất nhiều cô gái tuổi đôi mươi hừng hực sức sống với nhiều hoài bão. Những ngày đầu khốn khó, nhiều người đàn ông không trụ nổi đã quay trở về quê cũ trong khi các cô gái mảnh dẻ nhưng đầy nghị lực bám trụ ở lại. Vượt qua khó khăn, họ khai hoang trồng mới cà phê cho Nông trường Cà phê Ia Sao.
Thời gian trôi qua, những vườn cà phê vươn lên xanh tốt, cuộc sống của những cô công nhân dần ổn định. Trong sâu thẳm tâm hồn, họ mong mỏi hơi ấm của một người đàn ông và tiếng bi bô của những đứa trẻ nhưng thời gian trôi qua càng nhanh, tuổi tác càng chồng chất. Để khỏi cảnh đơn chiếc, các chị đành đi theo con đường riêng của mình, “kiếm” một đứa con để bớt cô quạnh.
Chị Trần Thị Cúc (SN 1967) sống trong một ngôi nhà tạm cùng cô con gái đang học lớp 12. Chị tâm sự: “Thời con gái, chị cũng có chút nhan sắc nhưng có lẽ do kém duyên nên chị chưa được khoác áo cô dâu. Nhờ trời thương, chị có đứa con gái để bớt cô đơn”. Mắt chị long lanh khi kể về cô con gái ngoan ngoãn xinh xắn. Chị phải tốn nhiều nước mắt, chấp nhận bao lời dị nghị gièm pha của người đời. Một mình vừa làm cha vừa làm mẹ. Tiền học cho con, tiền nợ ngân hàng “bủa vây” càng làm cho cái cơ thể vốn xanh xao của chị càng thêm gầy yếu". Nhìn ngôi nhà nhỏ rách nát, xiêu vẹo, chị Cúc nói: "Mơ ước lớn nhất của chị là đủ sức khỏe để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn và có tiền sửa lại căn nhà, để hai mẹ con không lo cái lạnh của mùa đông cao nguyên”.
Hơn 15 năm nay, chị Phạm Thị Hồng (SN 1968) nuôi con  nhờ đồng lương công nhân và gần 2 ha cà phê. Đứa con lớn của chị tên là Nguyễn Văn Hùng đang học lớp 10 Trường THPT Phạm Văn Đồng (xã Ia Sao) rất ngoan ngoãn, chăm chỉ. Ngoài thời gian đi học, cháu tham gia việc nhà giúp mẹ. “Những ngày đầu con còn đỏ hỏn, chị rất sợ vì không biết sẽ nuôi con như thế nào. Khó khăn vất vả rồi cũng qua, niềm vui duy nhất của chị là nhìn thấy con trưởng thành”- Chị xúc động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Chính- Trưởng thôn Tân Bình cho biết: Do nhiều lý do nên một sô chị em trong thôn có con mà không có chồng. Chị em đa số đều nghèo, nhiều người nợ nần nhưng con cái đều được ăn học đàng hoàng. Chị Lưu Thị Thủy cách đây mấy năm vay ngân hàng để tăng gia sản xuất không may đổ bệnh, nhiều năm rồi vẫn chưa trả hết nợ. “Đời mình đã kém may mắn rồi, quyết không để con cái khổ như mình. Con trai mình đã học lớp 11 rồi. Mình luôn động viên cháu thương mẹ, cố gắng học hành đến nơi đến chốn”- chị Thủy tâm sự.
Chị Đinh Thị Uyên (SN 1959), do sức khỏe kém đã về hưu từ nhiều năm nay trông chị khắc khổ, già cỗi so với độ tuổi. Theo lời  ông Chính, chỉ với hai bàn tay trắng, chị một mình nuôi con ăn học. Đứa con “tự túc” kiếm được là niềm tự hào của chị, năm nay đang học đại học năm 2 Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Nói về nỗi vất vả khi một mình nuôi con, chị bộc bạch: “Làm phụ nữ ai chẳng mong một mái ấm gia đình. Trời không thương thì đành chịu thôi. Tự mình kiếm con, nuôi con cay đắng lắm…”. Chị Uyên bỏ lửng câu nói như dấu chấm lửng của đời mình!
Còn rất nhiều hoàn cảnh phụ nữ nghèo làm mẹ một mình ở thôn Tân Bình như chị Loan, chị Mận, chị Quýt, chị Đào… Họ đều là những người kém may mắn, đành tự kiếm đường đi riêng cho đời mình.
Thục Vy

Có thể bạn quan tâm