Phóng sự - Ký sự

Chuyện tình bên dòng Pô Kô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Siu Pương đang ngồi sưởi nắng trước hiên nhà. Cả tháng nay bà cứ cảm giác như có con lươn đang trườn trên da thịt. Cái lạnh cứ thấm vào từng đốt xương rờn rợn… Hôm trước thầy cúng chặt cành cây, bảo bà sải tay đo rồi nói rằng có người bỏ “thuốc thư”.
Ở làng Kuk này, người được thầy cúng lấy “thuốc thư” trong người ra cho không ít. Cái “thuốc thư” ấy lúc là hạt sỏi, khi sợi tóc. Không biết kẻ có “thuốc thư” là ai, bắn lúc nào, chỉ khi thầy cúng lấy ra cho mới biết. Chả hiểu đang bực mình vì đau ốm hay nghe không hiểu, phải đến dăm phút sau bà mới cất tiếng gọi cậu con trai về đưa tôi ra rẫy…

Mặt trời đứng bóng, ông Nguyễn Tiến Chung mới về. Mình trần, chiếc quần dài trễ xuống quá rốn. Khuôn ngực ông gầy nổi từng đốt xương phập phồng theo nhịp thở. Căn lều mái tôn sùm sụp trên đầu khiến tôi có cảm giác ông mang nguyên từ rẫy về tất cả cái nắng nôi và bụi bặm… “Chẳng nhớ bao năm rồi tôi đã mất hết ý niệm thời gian. Cứ khi nào việc xong thì ấy là giờ nghỉ. Căn lều này, khu rẫy này là tất cả thế giới của tôi…”.
Trên mảnh đất đời người
Ông Nguyễn Tiến Chung và con trai út. Ảnh: N.T
…Nguyễn Tiến Chung quê ở thôn Phi Điền, xã Phú Thịnh, huyện Lục Ngạn (tỉnh Hà Bắc cũ). Thực ra đấy chỉ là nơi cư ngụ trước lúc đi bộ đội chứ ông có quê cha ở Hải Hưng, mẹ quê Nam Định. Ông bà chạy giặc lên đó rồi gặp nhau nên chẳng có họ hàng thân thích gì. Dù là con một, Nguyễn Tiến Chung vẫn xung phong đi bộ đội.
Ông nhập ngũ năm 1966, là lính pháo binh thuộc Trung đoàn 204. Năm 1968, Nguyễn Tiến Chung vào mặt trận Quảng Trị, tham gia chiến dịch Đường 9- Nam Lào, tiếp đó sang chiến trường Lào, Campuchia rồi đáo về Mặt trận B3. Năm 1975, ông phục viên với cấp bậc Trung sĩ… Chuyện cùng Siu Pương nên duyên rồi khép mình trong làng Kuk- xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) suốt hơn 35 năm qua là một câu chuyện tình lãng mạn đầy trắc trở- chính xác hơn thì đó là một mối tình lãng mạn nhọc nhằn… Số là năm 1972 do sức khỏe giảm sút, Nguyễn Tiến Chung được đơn vị chuyển sang làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Làng Kuk, lúc bấy giờ để tránh sự oanh tạc của địch phải lánh sang đất Campuchia. Trong những lần đi “dân vận” nhờ bà con giúp đỡ, Nguyễn Tiến Chung đã gặp cô du kích Siu Pương. Lễ cưới được đơn vị tổ chức vào cuối năm đó. Tháng 4-1975, khi Nguyễn Tiến Chung cùng đơn vị tiến về Sài Gòn thì cũng là lúc vợ mang bầu và ở quê mẹ mất…
- “Từ Sài Gòn trở lại làng Kuk, mình như người bước sang một thế giới khác”- ông Chung thở hắt  khi nhớ về chuyện cũ… Thời chiến tranh con mắt nhìn mọi chuyện đều đơn giản, bây giờ hòa bình mới thấy cuộc sống bao điều phải suy xét, lo toan. Mà làng Kuk bấy giờ mới chạy giặc trở về xác xơ, đói rét lắm. Nhà vợ, 6 con người phải chen chúc nhau trong túp lều dễ chừng chỉ nhỉnh hơn chòi lúa. Hiểu rằng mình đang như con bò kéo cỗ xe ngược dốc, từ tinh mơ đến tối mịt tôi trần mình trên rẫy, tối lại về xoay trần nấu rượu; rồi thì đi bộ cả hai chục cây số lấy muối, cá khô về cho vợ đổi lúa lấy lời… Ngày tiếp ngày, những gì đang xảy ra ngoài làng Kuk, với tôi là cả một thế giới xa xăm. Làm việc không tiếc thân mình, vốn liếng đã có lúc lên tới 7 con bò, lẽ ra tôi đã được đền bù-chí ít thì cũng đã có căn nhà đàng hoàng để ở, thế nhưng rốt cuộc lại trở về tay trắng. Đơn giản là lúc bấy giờ mỗi liều thuốc sốt phải đổi bằng một gùi lúa. Mà tôi thì chẳng nhớ bao lần bị sốt. Có một lần tôi sốt chẳng biết đã mấy ngày. Trong mê man chợt nghe văng vẳng tiếng chiêng. Cố mở mắt thì ra họ hàng đang chuẩn bị đập heo để làm ma… Đã không dưới hai lần tôi được chuẩn bị cho về làng ma như thế, vậy mà như có phép màu lại được sống. Trời có lẽ cũng thương tôi vào chết ra sống bao năm ở chiến trường không nỡ hay chăng(?).
Thực ra thì nỗi đau thể xác ấy có đận rồi cũng qua. Chuyện đáng nói hơn là con cái. Dù ông chỉ kể sơ sài thì tôi cũng cảm nhận được nỗi buồn thầm kín ấy. Ông có đến 8 đứa con-4 trai, 4 gái. Trong cái không gian làng như bao đứa trẻ một thời, chúng cứ lớn lên lấm láp và gần như hoang dã. Mấy đứa lớn chỉ học được đến lớp 1, lớp 2 rồi bỏ. Bây giờ thì theo lẽ thường tạo hóa, chúng lần lượt lấy vợ lấy chồng, gắn cuộc đời với rẫy nương… Buồn hơn cả trong số chúng là Siu Hoa. Hoa là cô gái trắng trẻo, xinh xắn vào hàng nhất làng Kuk. Hoa lấy Rơ Châm Then cùng làng. Năm 2004, làng Kuk bị cuốn vào cơn lốc vượt biên. Nghe lời bọn phản động dụ dỗ, Then đã đành đoạn bỏ lại đứa con mới thôi nôi và người vợ trẻ để đi tìm “đất hứa”. Trong chuyến đò vượt sông Pô Kô vào cái đêm mưa gió bão bùng ấy, chỉ mỗi Then và đứa cháu gái may mắn thoát chết. Nhưng cập được bờ “đất hứa” rồi, anh ta lại viết thư về tuyên bố bỏ vợ… Đau nỗi con dang dở đã một nhẽ, mình là cựu chiến binh, là người hiểu biết ở làng này, lại để xảy ra chuyện đáng chê trách như vậy, chẳng phải là mang tiếng lắm sao?
“Mai sau dù có bao giờ…”
Bây giờ tôi mới có dịp ngó nghiêng cái “thế giới” của ông. Căn chòi thưng ván lợp tôn vá víu được ông chia làm hai ngăn. Ngăn trong cắm một chiếc sạp gỗ buông màn tối om, ý chừng là nơi ngủ của ông. Gian ngoài làm bếp. Từ đây về tới làng Kuk dễ chừng phải đến 3 cây số. Hút mắt nhìn ra chỉ thấy bốn bề cao su vây bủa… Ông phân trần rằng bởi suốt ngày trần lưng ngoài rẫy, tối mới đáo về nấu cơm ăn rồi lăn ra ngủ. Một mình một cõi nên cũng chẳng buồn nghĩ đến phương tiện sinh hoạt. Xưa sống sao, bây giờ cứ vậy… Hơn ba chục năm đã bó mình giữa làng, lại còn co mình vào cõi cùng của thế giới ấy nữa, ông đã mặc cảm với cuộc sống đến độ không biết tự thương thân? Đón ý tôi, khuôn mặt ông như chợt già đi mấy tuổi:
Chèo thuyền trên sông Pô Kô.
- Mẹ tôi góa chồng từ lúc tuổi còn rất trẻ, vẫn ở vậy nuôi con. Những năm ở chiến trường tôi vẫn hình dung nỗi khát khao cháy lòng mong được gặp lại con một lần của mẹ. Nhưng rồi không chỉ phút lâm chung đã không được bên mẹ mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết mộ mẹ nằm đâu… Giá như những ngày mới hết chiến tranh về viếng mẹ, hẳn mẹ tôi sẽ tha thứ. Thế nhưng tôi đã quá mặc cảm với cuộc sống của mình, để bao tháng năm đã trôi qua rồi, làm sao mẹ  còn tha thứ. Hẳn rằng đã gần 10 năm không tin tức, trước lúc từ giã cõi đời, mẹ tôi vẫn đinh ninh rằng tôi đã chết. Nỗi đau chồng con không trở về, thời ấy đâu riêng một mẹ tôi. Vậy thì hãy để người hóa thân với nỗi đau ấy. Khơi dậy lại, hóa ra tôi là kẻ bất hiếu hai lần?
Tôi lặng đi, lòng dậy lên niềm chua xót bởi cái lý của ông. Hoàn cảnh của ông bấy giờ thật khó mà cân đong “bên tình bên hiếu”. Ông chỉ biết làm theo lời con tim mách bảo. Và rốt cục thì đời cũng bù trừ cho ông. Chẳng trọn vẹn được như người thì 8 đứa con ông cũng đã có đất, có nhà từ thành quả lao động của ông. Và sự đền đáp quý giá nhất đời ông là một tình yêu bền chặt… “Anh hiểu tôi đấy”- ông cắt  lời tôi hứng khởi. “Bà ấy không được học hành, sống theo lẽ thường của bao người đàn bà ở làng này. Nhưng với tôi, trong cái vỏ thô tháp ấy là một viên ngọc tình yêu… Thú thật là những ngày đầu sống chung, không ít lần tôi đã trăn trở về sự lựa chọn của mình, thậm chí đã có lúc tôi định bỏ trốn. Thế nhưng cứ mỗi lần chạm tới ý nghĩ tội lỗi ấy là lại thấy mình hèn. Những tai ương, những nỗi buồn đã qua, nói “trời thương” là thuận miệng chứ không có bà ấy, dễ tôi đã buông xuôi hay “tiêu cực” từ rất lâu rồi. Và cái “thế giới” này, có người ngộ nhận là tôi những muốn trốn chạy  khỏi cuộc sống làng. Làm sao tồn tại bằng sự “trốn chạy” ấy nếu phía sau không có bà là điểm tựa. Rồi 2 ha rẫy, bây giờ mỗi năm thu 50- 60 triệu đồng-thành quả lao động bao nhiêu năm trời, tôi đâu phải là cái máy nếu không có tình yêu của bà ấy “điều khiển”. Thế nên đã bao lần tôi tự cười mình khi đâu đó người ta xì xầm rằng tôi bị “bỏ bùa”. Đúng là tôi đã bị bỏ bùa như thế đấy!”.
Ở đời, nếu cứ đứng ở vị trí của mình, có lẽ ta chẳng bao giờ hiểu được hạnh phúc của người khác… Năm nay ông đã bước vào tuổi 65. Nghĩ trộm ông, cuối đời hẳn rằng cũng như bao người ở làng Kuk này, ông lại về với đất, sẽ được bỏ mả để rồi tan biến vào cõi đời như một giọt sương. Kiếp người với cái vòng luân hồi “đất-người-ma-đất” theo quan niệm của người Jrai thô sơ mà triết lý ôm hết cho bao tộc người trên thế gian này. Thế nên sự tồn tại đích thực của mỗi con người giản dị là liệu anh có dám cháy hết mình cho một lối đi trên đường đời mà anh đã chọn?
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm