(GLO)- Ba nhà nông trẻ có chung xuất phát điểm từ gia cảnh khó khăn, với quyết tâm nỗ lực vượt khó, họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tích cực vận động, hỗ trợ thanh niên khác vươn lên thoát nghèo, đồng thời tham gia hiệu quả các phong trào Đoàn, Hội tại địa phương.
Phạm Trung Tiến:
Làm giàu từ 5 sào đất
Anh Phạm Trung Tiến hiện là Bí thư Đoàn thôn 1 (xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Năm 2008, sau khi được bố mẹ giao 5 sào đất để lập nghiệp, anh đã chủ động vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai kế hoạch làm giàu với tinh thần xung phong đi đầu để anh em trong Ban Chấp hành Đoàn thôn 1 học tập và làm theo. Nói là làm, anh đầu tư trồng 200 trụ tiêu và 200 gốc cà phê. Nhờ tích lũy vốn kiến thức, kỹ năng trồng trọt từ các đợt tập huấn, hội thảo nông nghiệp do xã tổ chức, anh tự tin áp dụng vào thực tiễn sản xuất, trồng trọt, qua nhiều năm “lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập cà phê, tiêu ổn định anh tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Đến nay, anh đã sở hữu trong tay 5,5 ha tiêu, cà phê và đàn gia súc. Anh tạo việc làm thường xuyên cho 7-9 thanh niên tại địa phương. Hàng năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, thu nhập bình quân đạt 750-950 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình anh còn chủ động hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho đoàn viên, thanh niên tại địa bàn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, thôn 1 đã thành lập được 22 trang trại trẻ, tạo việc làm thường xuyên cho 7 thanh niên, thu nhập 500-700 triệu đồng/năm.
Bùi Thị Khánh Linh:
Nhà nông trẻ cần cù
Là người con Thái Bình nhưng nhà nông trẻ Khánh Linh lại bén duyên lâu dài với mảnh đất Gia Lai. Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bản thân Linh luôn chủ động tìm tòi, suy nghĩ làm sao để thoát nghèo. Chị mày mò tìm hiểu thông tin trên mạng, đọc thêm sách báo kết hợp học tập mô hình trồng tiêu trong vùng để tích lũy thêm kỹ thuật. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) mà gia đình chị được tạo điều kiện về vốn vay phát triển sản xuất. Khai thác thế mạnh vùng đất đỏ bazan, năm 2010, chị quyết định sử dụng số tiền 80 triệu đồng đầu tư trồng 500 trụ tiêu, với diện tích đất còn trống chị xen canh tăng vụ bằng việc trồng bắp, đậu tăng thêm thu nhập. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật cộng với công đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng, 500 trụ tiêu lứa đầu cho kết quả thu hoạch khá nên chị tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu, nâng tổng số trụ tiêu là 1.000 trụ, năng suất tăng đều qua các năm đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình chị còn tạo việc làm liên tục cho 10-15 thanh niên tại chỗ.
Trần Vi Tình:
Cán bộ Đoàn đa năng
Anh Trần Vi Tình hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Đak Pơ. Nhận thấy trồng mía là mô hình phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương nên anh đã mạnh dạn vay hơn 200 triệu đồng mua 1,2 ha đất nông nghiệp trồng mía, cỏ và đào ao lấy nước để tưới các loại rau, quả. Thời gian đầu vì thiếu vốn, ít kinh nghiệm nên kết quả thu hoạch còn khá khiêm tốn. Không chùn bước, anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên sách báo, tham quan thực tế các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện, dần dà anh tích lũy thêm nhiều phương pháp, kỹ thuật mới và áp dụng vào diện tích trồng mía, vườn rau. Nhờ vậy mà mô hình kinh tế của anh đã đem lại kết quả tích cực, thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng.
Không những cần cù, chịu khó xây dựng kinh tế, anh Tình còn làm tốt vai trò của cán bộ Đoàn. Anh nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện, thường xuyên bám sát cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng, nhu cầu thanh niên qua đó kịp thời đề xuất lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền giải quyết. Đặc biệt anh còn đóng vai trò là tuyên truyền viên tích cực vận động thanh niên chủ động học tập, lao động phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương.
Ksor H’Yuên