Chính trị

Tin tức

Chuyện về Bí thư Trần Kha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới sớm tinh mơ, tôi được Huyện đội trưởng K8 (huyện An Khê cũ) Võ Đoàn Hào gọi lên lán chỉ huy và giao một chiếc phong bì đã dán kín, bảo đem sang đưa trực tiếp cho Bí thư Huyện ủy Trần Kha. Đó là một ngày đầu tháng 4-1969. Tôi không dám thưa với thủ trưởng Hào là mình chưa biết mặt Bí thư Kha. Mọi khi tôi vẫn thường được chỉ huy bảo đem thư từ qua lại giữa Huyện ủy và Huyện đội nhưng chưa bao giờ biết chú Kha là người như thế nào. Mà thôi, cứ đi rồi sẽ biết-tôi nghĩ thế.
Tính tôi hay tò mò, khám phá. Hôm ấy trời còn rất sớm, sương dày đặc, đầu nguồn con suối 407 nước trong veo, những vách đá dựng đứng hai bên bờ khiến tôi hình dung ra rất nhiều điều kỳ thú nên thay vì đi theo con đường ngắn nhất như mọi khi, tôi men theo một bên bờ con suối xuôi hướng Huyện ủy đang đứng chân.
Đang mải mê với những ý nghĩ thì bất chợt tôi thấy phía trước có một ông già gầy còm, đen nhẻm, râu tóc đã bạc phân nửa ngồi trên một tảng đá chăm chú đọc gì đó trong cuốn sổ tay. “Cháu đi đâu mà sớm thế?”-dòng suy nghĩ của chú bộ đội tí hon chưa dứt thì “ông già” đã phát hiện ra có người từ phía trước bước lại và hỏi. “Dạ, thủ trưởng Hào sai cháu đem thư cho chú Kha”-tôi thành thật trả lời. “Ông già” dẫn tôi vào chỗ làm việc của Bí thư Huyện ủy rồi bảo ngồi chờ. Tôi đinh ninh ông già sẽ đi tìm Bí thư Kha giúp mình.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hóa ra Bí thư Huyện ủy Trần Kha lại chính là ông già râu tóc bạc đến phân nửa mà tôi vừa gặp. Chẳng biết thư của thủ trưởng Hào viết gì, nhưng khi đọc xong, ông nhìn tôi bảo: “Cháu chờ một lúc, chú cháu ta cùng qua bên ấy nhé”. Đó là lần đầu tiên tôi biết mặt Bí thư K8 Trần Kha. Giai đoạn cuối năm 1968 và năm 1969, An Khê vẫn là nơi Mỹ-ngụy đặc biệt chú ý. Dù Sư đoàn Không vận số 1 của Mỹ đã rút đi, nhưng một số đơn vị bộ binh và thiết giáp thuộc Sư đoàn 4 Mỹ từ Pleiku tăng cường về An Khê, cùng với việc ráo riết đôn quân, bắt lính tại chỗ vẫn ra sức lùng sục, đánh phá vùng ven quận lỵ An Túc (An Khê). Để chống trả thủ đoạn nói trên, chủ trương của Ban Cán sự An Khê là huy động lực lượng vũ trang và các đội công tác K8 cùng các lực lượng trên địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng địch tạm chiếm đấu tranh chính trị, củng cố cơ sở ngầm, trừng trị những tên ác ôn, tay sai của địch, đánh trả các trận càn của lính Bảo an, Dân vệ, truy kích bọn biệt kích Mỹ, giữ bí mật những nơi trú quân của ta... nhằm củng cố lòng tin vào thắng lợi của cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Cuối tháng 6-1969, tôi hay tin chú Kha được Tỉnh ủy điều về nhận công tác ở tỉnh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có điều kiện gặp gỡ chú Kha nhiều hơn khi chú là Trưởng ban Thi đua, còn tôi là nhân viên Cơ yếu của Văn phòng Tỉnh ủy. Chú Kha quê ở Bình Giang, Bình Khê (Tây Sơn, Bình Định ngày nay). Chú bảo nhà chú nghèo lắm, lại sớm mồ côi mẹ, cha là cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp giết hại vào tháng 4-1947. Là cán bộ cấp đại đội thuộc Trung đoàn 120 chủ lực Quân khu 5, sau Hiệp định Genève, chú Trần Kha được phân công ở lại miền Nam chiến đấu. Lúc này, thay chân Pháp, Mỹ dựng lên ở miền Nam chính quyền gia đình trị họ Ngô, lê máy chém khắp miền Nam, đàn áp dã man phong trào cách mạng và gia đình liên quan đến Cộng sản, gia đình có người tập kết... Nhiều đảng viên như chú Trần Kha đã ở lại cùng đồng bào miền Nam, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng cho đến ngày toàn thắng. Chú tự hào về điều đó và khẳng định rằng đường lối lúc bấy giờ của Đảng hết sức sáng suốt và đúng đắn!
Có 2 lần chú Kha được cấp trên đưa ra miền Bắc. Lần thứ nhất là vào cuối năm 1955 để học tập, bồi dưỡng về văn hóa và chính trị. Giữa lúc phong trào cách mạng miền Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm dìm trong bể máu thì chú Kha xung phong trở về Nam chiến đấu, đó là vào cuối năm 1958. An Khê là nơi chú được Tỉnh ủy phân công về với chức danh Ủy viên Ban Cán sự. Được một thời gian, chú lại được điều về giữ chức Bí thư K2, là một huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ phía Bắc An Khê. Và rồi An Khê vẫn là nơi mà chú Kha quay lại làm Bí thư, thay chú Lê Tam đi nhận công tác khác. Khi ấy là vào tháng 6-1968. Lần thứ 2 chú ra Bắc chỉ để an dưỡng, chữa bệnh sau thời gian dài lăn lộn nơi chiến trường ác liệt, đó là giữa năm 1974...
Về nghỉ hưu từ giữa năm 1984, đến năm 2007, chú Kha về với thế giới bên kia bởi nhiều căn bệnh từ hậu quả của những năm tháng chiến tranh. Khi chú còn sống, thỉnh thoảng tôi ghé nhà thăm cô chú. Một trong những câu chuyện cũ làm tôi chẳng bao giờ quên, đó là khi chú giữ chức Trưởng ban Thi đua. Thấy thủ tục đề nghị khen thưởng những người “chưa thành niên” có công trong kháng chiến gửi ra Trung ương bị trả về, chú Kha đích thân ra Hà Nội giải thích cho “người của Trung ương” hiểu rằng, ở miền Nam, trong kháng chiến, dẫu là thiếu niên nhưng họ là cơ sở, là liên lạc, giao liên, du kích... của cách mạng, nhiều người trong số họ là đoàn viên ưu tú, là dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy... chứ không cứ phải đợi đến tuổi thành niên mới tham gia hoạt động cách mạng. Cuối cùng rồi việc cũng hoàn thành. Có lần, chú Kha nói vui, có những cán bộ chỉ ở ngoài Bắc, không nắm được thực tiễn cách mạng miền Nam nên mới có chuyện hiểu nhầm như thế. Chuyện về chú Kha còn có thể kể nhiều hơn nữa. Có giai đoạn trước năm 1975, chú đảm nhận các công việc ở Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh, Phó Bí thư K11, Phó ban Sản xuất tỉnh...
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ọp ẹp của chú Kha nằm trong con hẻm trên đường Võ Thị Sáu (TP. Pleiku). Cô con gái lấy chồng ra riêng từ khá lâu, chỉ còn 2 người già sớm hôm cùng nhau chăm mảnh vườn với những mít, ổi, thơm, bơ, chuối, sầu riêng; lại thêm mấy luống rau xanh quanh năm thay nhau mỗi mùa mỗi loại. Thi thoảng thấy cô cũng có ra chợ, nhưng chỉ mua những thứ mà cô chú không thể làm ra được. Cô vốn là người thoát ly ra căn cứ tham gia hoạt động cách mạng từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, rồi nghỉ sớm, sức khỏe cũng yếu, không thể làm gì hơn là chỉ quanh quẩn với mảnh vườn... và mấy con heo, đàn gà, đàn ngan. Nhà chú ít người biết đến. Tại những cơ quan, đơn vị, địa phương nơi trước đó chú từng là người đứng đầu, các thế hệ lãnh đạo sau này không phải ai cũng biết và nhớ.
Cách đây chưa lâu, tôi có dịp ghé thăm gia đình con gái chú Kha. Con rể chú-nguyên Trưởng Công an huyện Chư Prông Lê Văn Duy-cho hay: Năm ngoái, chú Kha được truy tặng Huân chương Lao động hạng ba. Thế cũng là niềm động viên của Đảng, Nhà nước đối với linh hồn người đã khuất. Anh Duy đem cho tôi xem “kỷ yếu” về khen thưởng của chú Kha, từ Huân chương Độc lập, Kháng chiến, Chiến công, Quyết thắng... các hạng. Điều đó chứng minh rằng công lao, thành tích của chú Kha là không nhỏ. Có điều, dù từng là Trưởng ban Thi đua tỉnh nhưng chú chẳng bao giờ... tự “tiết lộ” công lao, thành tích của mình!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm