Có đáng tin không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai ra ngày 3-10 có bản tin, đại thể như sau: Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản Gia Lai vừa lấy 46 mẫu thịt heo, thịt gà, giò chả và thủy sản khô, bò một nắng tại 3 địa phương, gồm: thị xã An Khê, thành phố Pleiku và huyện Chư Sê để kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh học và hóa chất.  

Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua kiểm tra, phát hiện 7/14 mẫu thịt heo, 4/8 mẫu thịt gà; 2/3 mẫu thịt bò một nắng nhiễm E.coli vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Một số mẫu thịt heo, gà còn có vi sinh vật Salmonella không cho phép có trong thịt. Ngoài ra, đoàn còn kiểm tra các mẫu thịt heo, gà, thủy sản khô và giò chả đều không phát hiện các chất clenbutarol, thuốc kháng sinh và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh các mẫu thịt, Chi cục nói trên còn lấy 14 mẫu rau để kiểm tra vi sinh vật E.coli, Salmonella và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả 14 mẫu đều đạt tiêu chuẩn quy định.
      
Như vậy, ngoài phần các sản phẩm thịt có một số mẫu nhiễm chất không cho phép có hoặc vượt ngưỡng quy định của cơ quan chức năng ra, thì số còn lại là dùng tốt. Thế nhưng, đáng tiếc là những mẫu bị nhiễm chất độc hại được lấy từ đâu ra (không nói chung chung như tin báo đã dẫn), nó là của ai, tại sao nó tồn tại và đã tồn tại từ bao giờ, khả năng đã có bao nhiều người dùng, việc phát hiện ấy đã xử lý ra sao... lại không thấy cơ quan chức năng hoặc báo chí công bố công khai để người tiêu dùng liệu mà tránh? Còn tuyệt vời thay, 14/14 mẫu rau lấy và kiểm tra không phát hiện điều gì đáng ngại, có nghĩa là... sạch!
     
Độ chính xác của sự kiểm tra nói trên đến đâu, chúng ta sẽ bàn sau, vào dịp có thể. Vấn đề đáng quan tâm là, lâu nay người tiêu dùng luôn không an tâm khi mua các loại sản phẩm, từ thịt, cá, rau củ quả... chúng có thể đã được chủ nhân hóa phép từ sản phẩm bẩn, thành sạch, thậm chí siêu sạch; từ đồ ngoại dỏm (thường gọi là hàng Trung Quốc nhập lậu) thành đồ nội hoặc của những quốc gia tên tuổi để lừa người tiêu dùng. Chuyện này ai cũng biết, nhưng “quyết liệt” xử lý thì vẫn chỉ là... quyết liệt trên giấy, còn thực tế thì người tiêu dùng lãnh đủ. Khi đề cập đến chuyện này, tôi chắc 100% người được hỏi sẽ có câu trả lời rằng phải xử lý thật nặng những kẻ buôn lậu, buôn bán hàng dỏm, hàng giả. Nhưng không phải người được hỏi có quyền xử lý, thì làm sao? Đành vậy...

Đành vậy, có nghĩa là người tiêu dùng tự mình quyết định cho cuộc sống, sức khỏe của nhà mình. Thông tin của các cơ quan chức năng đưa ra, nhất là những cơ quan khoa học mà điều kiện làm việc, trình độ chuyên môn của các nhà khoa học, thiết bị, dụng cụ phục vụ khoa học còn ở mức “địa phương” như Gia Lai, theo tôi cũng chỉ là “bản tin tham khảo”, độ tin cậy thì còn... đợi đấy!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm