Du lịch

Cơ hội quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên”, bắt đầu từ trung tuần tháng 3, tỉnh Gia Lai sẽ liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và hấp dẫn. Nhân dịp này, phóng viên GLO có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai nhằm cung cấp cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của ngành du lịch Gia Lai thời gian qua cũng như thông tin về các hoạt động chủ yếu sẽ diễn ra trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2014.
 

Quảng trường Đại Đoàn Kết-nơi đặt Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”. Ảnh: Lê Hòa

- P.V: Thưa ông, ông có thể đánh giá khái quát về tình hình phát triển du lịch tỉnh nhà trong năm 2013 vừa qua?

Ông Nguyễn Đức Hoàng: Thời gian qua, tuy nền kinh tế gặp nhiều khó khăn song nhìn chung, du lịch Gia Lai vẫn giữ mức tăng trưởng tương đối ổn định. Tổng lượt khách đến Gia Lai trong năm 2013 đạt 199.453 lượt, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 8.184 lượt (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước), khách nội địa ước đạt 191.269 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 186,828 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2012; nộp ngân sách nhà nước 17,7 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách đến Gia Lai chủ yếu vẫn là khách thương mại và công vụ, khách du lịch thuần túy không cao. Doanh thu từ hoạt động lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu du lịch và chủ yếu là từ khách địa phương.

 

Thác Phú Cường

Năm 2013, hoạt động kinh doanh lưu trú và lữ hành có sự chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở lưu trú, trong đó có 19 khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao. Hoạt động lữ hành sôi động hơn nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ tỉnh bạn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp lữ hành, chủ yếu khai thác loại hình du lịch văn hóa, sinh thái. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động lữ hành còn thấp, mới chỉ chiếm 15% trong tổng doanh thu du lịch.

Điểm nhấn trong công tác quản lý nhà nước về du lịch trong năm qua là đã có nhiều đổi mới: Ngành đã tổ chức một số hội nghị về du lịch nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện văn bản Luật, trao đổi, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hoạt động du lịch; hướng dẫn, thẩm định cơ sở lưu trú theo quy định để đảm bảo tính thống nhất và chất lượng dịch vụ. Chính sự chủ động của đơn vị quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch.

- P.V: Vậy đâu là những thuận lợi và khó khăn của ngành du lịch Gia Lai hiện nay?

 

Một góc biển hồ Gia Lai

Ông Nguyễn Đức Hoàng: Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Tây Nguyên và vùng Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Nhờ có đường biên giới dài, lại có 3 tuyến quốc lộ là 19, 14, 25 đi qua và 1 sân bay nội địa tại trung tâm thành phố, vì thế, Gia Lai có được sự thuận lợi về giao thông. Đây là lợi thế để góp phần thúc đẩy giao thương nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Tài nguyên du lịch Gia Lai phong phú và phân bố khá tập trung tại những khu vực có điều kiện đầu tư hạ tầng du lịch. Đặc biệt, văn hóa bản địa độc đáo của người dân tộc Jrai, Bahnar là yếu tố nổi bật hơn hẳn để Gia Lai có điều kiện khai thác hiệu quả “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”-di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế khiến du lịch Gia Lai chưa phát triển. Cụ thể, tài nguyên du lịch chủ yếu ở dạng tiềm năng, sản phẩm du lịch trùng lắp, chưa tạo sự riêng biệt trong khu vực nên mức độ thu hút khách của tỉnh còn thấp. Ngoài ra, địa hình hiểm trở, nhiều đồi dốc gây khó khăn trong việc lưu thông đường bộ; đường hàng không chưa có đường bay quốc tế, đường bay nội địa hạn chế về điểm đến và tần suất chuyến bay nên chưa có nhiều lựa chọn cho du khách khi đến Gia Lai. Hạ tầng du lịch còn thiếu và công tác quy hoạch chưa đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh chưa có những khu vui chơi giải trí, thể thao hiện đại, trung tâm mua sắm quy mô, khu nghỉ dưỡng cao cấp... góp phần tăng chi tiêu và ngày lưu trú của khách du lịch.

 

 

Là tỉnh có số người dân tộc thiểu số chiếm gần 45%, trình độ dân trí thấp, điều này rất khó trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh và vùng người dân tộc thiểu số đã hạn chế việc phát triển loại hình du lịch văn hóa tìm hiểu đời sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số và tìm hiểu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-một trong những tài nguyên du lịch đặc trưng của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.  

- P.V: Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt, Gia Lai sẽ triển khai các hoạt động cụ thể gì và đâu là những điểm nhấn, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hoàng: Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014 là sự kiện quảng bá du lịch với quy mô quốc gia, là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên liên kết đầu tư phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho khu vực. Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014, Gia Lai tổ chức một số hoạt động văn hóa, du lịch tiêu biểu nhằm tuyên truyền cho sự kiện này, như: phục dựng lễ hội mừng chiến thắng của người Bahnar, triển lãm ảnh về Tây Nguyên, Liên hoan tượng gỗ dân gian Gia Lai, Ẩm thực Gia Lai, Hội thi “Đầu bếp giỏi”… Các hoạt động này sẽ diễn ra liên tục từ ngày 15 đến ngày 20-3 tại một số địa điểm như: Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Công viên Đồng Xanh, Diên Hồng… Riêng các tour du lịch sẽ được tổ chức thường xuyên trong suốt năm.


Bên cạnh mục đích quảng bá chung, những hoạt động trên sẽ góp phần giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Gia Lai, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp gỡ, tìm hiểu và trao đổi với nhau.

Để phù hợp với điều kiện của địa phương, ngành chủ trương tổ chức các sự kiện trên tinh thần tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng nghệ thuật, giới thiệu được bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh nhà. Trong đó, chú trọng giới thiệu du lịch văn hóa của địa phương, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật tạo hình dân gian và một số hoạt động vui chơi giải trí, ẩm thực. Chuỗi sự kiện này là hoạt động tiêu biểu trong chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành tập trung khai thác năm 2014. Các hoạt động không chỉ mang lại không khí vui tươi phấn khởi tại địa phương mà còn tạo tính liên hoàn cho sự kiện, đảm bảo sự thành công của Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014.

- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Lê Hòa (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm