Phóng sự - Ký sự

Có một giấc mơ... bẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một cựu nhà giáo ở Đà Nẵng đang ôm ấp giấc mơ bay kỳ lạ và thú vị. Ông muốn truyền cảm hứng về bầu trời cho những thế hệ nhỏ tuổi...
Phan Ngọc Thiết và mô hình sân bay của ông. ẢNH: T.Đ.T
Phan Ngọc Thiết và mô hình sân bay của ông. ẢNH: T.Đ.T
Tôi biết ông từ ngày giúp cha ông làm hồ sơ và viết bài để đòi lại căn nhà cho nhà nước mượn ở Nha Trang trong nhiều năm cuối thế kỷ trước. Thỉnh thoảng lại gặp ở quầy bar nhỏ Tiếng Dương Cầm gần nhà ông ở Đà Nẵng những đêm cuối tuần, được mời dự khai trương Trung tâm giáo dục thể chất của Đại học Đà Nẵng do ông làm giám đốc. Sau này, chúng tôi gặp nhau mỗi sáng bên biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) khi cả hai đã nghỉ hưu...
Đó là cựu nhà giáo Phan Ngọc Thiết đa tài.
Phan Ngọc Thiết học Bách khoa Đà Nẵng khóa 1 ngay sau ngày thống nhất, ra trường là một kỹ sư xây dựng. Nhưng số phận run rủi đã đưa ông đến với thể thao. Tài năng bóng rổ giúp ông trở thành thủ lĩnh của phong trào thể thao tại đây, rồi nhờ giỏi tiếng Anh, ông đảm nhiệm luôn công việc thông dịch cho các đoàn thể thao sinh viên Việt Nam đi dự nhiều giải Đông Nam Á và thế giới. Nhờ vậy, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến khi nghỉ hưu, ông đã đi đến 38 nước với gần 100 hãng máy bay trên thế giới.
Bây giờ ngồi nói chuyện cùng nhau, Phan Ngọc Thiết có thể hát bằng bản ngữ đến 108 bài quốc ca của các nước, đàn piano điêu luyện và nói đủ thứ chuyện đông tây kim cổ. Mỗi ngày, ông có thể bơi hàng giờ ngoài biển...
Bằng xác lập kỷ lục “người có bộ sưu tập mẫu máy bay dân dụng nhiều nhất VN”
Bằng xác lập kỷ lục “người có bộ sưu tập mẫu máy bay dân dụng nhiều nhất VN”
Bất ngờ “PNT Int’l airport”
Ông mời tôi đến thăm sân bay quốc tế mang tên “PNT International Airport” trên... tầng 3 căn nhà riêng trong con hẻm trên đường Lê Hồng Phong, ở trung tâm TP.Đà Nẵng. “Sân bay” chiếm trọn căn phòng rộng. Đây là mô hình sân bay tỷ lệ 1/500 theo tiêu chuẩn quốc tế. PNT là viết tắt họ tên ông. Hàng trăm máy bay mô hình, 2 nhà ga và 2 đường cất và hạ cánh, đài không lưu, hệ thống đèn hướng dẫn cất hạ cánh, đường dẫn và xe dẫn đường cất hạ cánh như mọi sân bay trên thế giới, tất cả thu hẹp trong căn phòng ấy.
Trong lúc hướng mắt theo chỉ dẫn của chủ nhân và nghe lời dẫn giải, bên tai tôi vẫn vang lên tiếng gầm rú của những động cơ phản lực, tiếng phát thanh viên trên loa hướng dẫn của nhà ga. Ta có cảm giác như đang ở đâu đó trong một sân bay lớn ở nước ngoài. Ông kể, đó là một phần mềm âm thanh mua lại để tạo ra cảm giác thật cho người đến tham quan... Tùy theo lưu lượng máy bay từng lúc, cũng như thực tế các sân bay, mô hình này có thể hoán đổi đường cất hạ cánh theo hướng dẫn của đài không lưu. Nhưng các nhà ga thì cố định: Nhà ga 1 dành riêng cho Vietnam Airlines, nhà ga 2 dành cho các hãng bay khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Cận Đông, châu Úc và nhà ga dành riêng cho khu vực châu Âu với các loại máy bay thân rộng cỡ lớn như Boeing 747, Airbus 380... Lại có cả khu cho nhà ga cho các hãng máy bay giá rẻ.
Cạnh “sân bay quốc tế” là bộ sưu tập khủng với 1.280 loại máy bay hiện được khai thác trên toàn cầu, xếp đặt kín trên các tủ kính ở bốn mặt tường. Các mô hình và hình ảnh chuyên cơ của 25 nguyên thủ quốc gia, như chuyên cơ Air Force One và Two của Tổng thống, Phó tổng thống Mỹ. Chuyên cơ của Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Mexico, các thủ tướng Pháp, Ý, Úc, Romania, Canada, các vua Brunei, Ả Rập Xê Út, Qatar. Chuyên cơ của Chủ tịch CLB bóng đá Chelsea Abramovic... Trong số đó, có chuyên cơ của 21 nguyên thủ quốc gia đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng nhân dịp APEC 2017.
Bộ sưu tập máy bay dân sự khủng này của Phan Ngọc Thiết đã được cấp bằng Kỷ lục quốc gia từ năm 2005 (người có bộ sưu tập mẫu máy bay dân dụng nhiều nhất Việt Nam). Cựu phi công Nguyễn Thành Trung cũng đã đến thăm mô hình sân bay của Phan Ngọc Thiết với lời khen ngợi và khuyến khích mở cửa cho các bạn trẻ đến tham quan.
Giấc mơ... trên trời
Phan Ngọc Thiết không chỉ đã đi đến hàng chục quốc gia và bay với gần 100 hãng hàng không, ông còn lưu giữ tất cả các boarding card (thẻ lên máy bay) của mỗi chuyến bay ấy trong không gian sưu tập độc đáo của mình.
Ông kể, từ năm 12 tuổi đã mê máy bay, mê bầu trời, ra các tiệm đồ chơi mua máy bay nhựa về sơn lại, lấy vỏ bao thuốc lá làm các máy bay lớn. Trên bàn học ở nhà, ngoài sách vở ngổn ngang các loại máy bay. Và ngay cả trong giấc ngủ cũng luôn lởn vởn những chuyến bay!
Đến năm 1995, lần đầu ra nước ngoài, ông mới mua được mô hình 2 chiếc Boeing đầu tiên. Sau đó, nhờ bạn bè ở ngoại quốc và liên lạc trực tiếp với các hãng máy bay, ông mua dần theo hình thức online trong mỗi kỳ họ giới thiệu máy bay mới.
Phan Ngọc Thiết kể rằng, các hãng bay đều sản xuất mô hình theo tỷ lệ 1/500 để bán cho các nhà sưu tập khắp thế giới. Giá mỗi chiếc thường dao động từ 50 đến 70 USD, có khi lên đến 100 USD. Nếu tính cả chi phí làm mô hình sân bay và máy bay, tổng kinh phí ông đã bỏ ra xấp xỉ 150.000 USD, tức hơn 3 tỉ đồng! Nhưng bây giờ, có số tiền đó chưa chắc ông đã “gom” đủ chừng ấy chiếc máy bay, vì mỗi đợt người ta chỉ làm ra khoảng 500 chiếc cho giới sưu tập thôi. “Thành ra hơn 20 năm qua, mình bỏ tiền ra mua máy bay mô hình cũng giống như người khác bỏ tiền tiết kiệm vào con heo đất vậy”, ông kể.
Thỏa niềm đam mê
Giấc mơ lên trời hun đúc từ nhỏ, giờ ông đã đi khắp năm châu bằng máy bay và làm nên bộ sưu tập có một không hai. Khi nghỉ hưu, nhiều đêm Phan Ngọc Thiết tắt hết đèn ngoài, vào “sân bay” một mình, bật đèn tín hiệu cất hạ cánh, bật âm thanh thật của sân bay lên và ngồi một mình với cốc rượu trên tay. Ông cảm giác đang chìm vào một chuyến bay đêm rồi... ngủ quên luôn tới sáng!
Nhưng rồi nghĩ lại, ai có đam mê mà lại không chia sẻ. Nhất là từng được phi công kỳ cựu Nguyễn Thành Trung khuyến khích. Phan Ngọc Thiết đã đi làm việc với các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn để đề nghị đưa mô hình này vào giới thiệu với công chúng. Nhưng gần 2 năm qua, ông đều bị từ chối vì chưa có hướng dẫn về loại hình dịch vụ này và vì diện tích hẹp quá... Kể cả khi đến cơ quan thuế khai sẵn sàng nộp thuế khi có khách đến thăm, ông cũng được phản hồi là chưa có hướng dẫn mức thuế cho loại hình này! Vậy là ông không “xin xỏ” nữa, về mở trang web giới thiệu.
Khách các nơi tìm đến theo lịch hẹn, mỗi người có một thẻ vào giống thẻ lên máy bay với số tiền 200.000 đồng. Ngoài được chủ nhân bộ sưu tập trực tiếp hướng dẫn, khách còn được “chiêu đãi” một khẩu phần ăn, nước uống giống hệt khi đi máy bay. Có thể uống thêm cốc rượu và nghe chính chủ nhân đàn một vài bản nhạc. Chi phí cho các khoản đó hết chừng 100.000 đồng, còn lại ông dùng vào việc duy trì hoạt động.
Ông kể, có những đứa bé 6 - 7 tuổi cha mẹ đưa đến từ Hà Nội, TP.HCM tỏ ra rất am hiểu về máy bay. Chúng chăm chú nghe và hỏi nhiều câu rất thú vị. “Tôi rất quý và coi đó là những người bạn nhỏ tâm giao cùng chia sẻ giấc mơ bay! Cũng có vài nhóm học sinh ở Đà Nẵng được cô giáo đưa đến, nhưng không phải cháu nào cũng yêu thích máy bay nên tôi chưa dám đặt vấn đề hợp tác. Ước gì có một không gian thoáng đãng hơn để gieo vào các cháu học sinh tình yêu bầu trời, yêu những giấc mơ bay. Nhưng “quý hồ tinh hơn quý hồ đa”, chỉ cần một ít học sinh nhỏ tuổi đến với tôi bằng tình yêu không gian là quý rồi!”, ông nói.
Chia tay một người giữ trọn giấc mơ bay từ thời thơ ấu, tôi chợt nhớ đến đoạn văn hay nhất trong tác phẩm Bay đêm của nhà văn phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry thuộc lòng từ thời trung học: “Bên dưới đôi cánh bay, những quả đồi đã rạch sâu thành đường xé nước thẫm màu trong ánh vàng ban chiều. (...) Đôi khi, sau trăm ki lô mét thảo nguyên còn hoang vắng hơn cả biển cả, anh bay ngang một nông trại hẻo lánh, anh chợt thấy như nó chở nặng những kiếp người lui lại phía sau, giữa những sóng cồn đồng cỏ...”...
Giấc mơ bay của cựu nhà giáo Phan Ngọc Thiết cũng chở nặng “một kiếp người” và đang muốn truyền cảm hứng cho những thế hệ đi sau!
Theo Trương Điện Thắng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm