Phóng sự - Ký sự

Có một làng quê yên bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không xô bồ bon chen, không rượu chè triền miên như một số đồng bào dân tộc thiểu số khác, nhiều thương binh ở thôn Gò Chè, xã Long Sơn, huyện miền núi Minh Long (Quảng Ngãi) vẫn lặng lẽ vun đắp cuộc sống, quê hương mình ngày càng yên bình, tươi đẹp. Họ luôn ý thức thực hiện lời dạy của Bác Hồ thương binh tàn nhưng không phế.

Sự tích ruộng hóa thành ao cá

 

Một góc thôn Gò Chè hôm nay. Ảnh: Trường An
Một góc thôn Gò Chè hôm nay. Ảnh: Trường An

Trở lại Gò Chè vào cuối tháng 7 khi đất nước hướng về kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Bao mùa rẫy đi qua, vùng quê nơi đây vẫn giữ một màu xanh thẳm của núi rừng. Những con đường gập ghềnh đá trái dẫn về làng trước đây, nay đã được bê tông bằng phẳng. Những thửa ruộng bật thang be bé nằm nhấp nhô theo triền hố từng nuôi cách mạng, giờ là những ao cá trải dài bên suối Thạch Bích. Nhà ngói, nhà sàn kiên cố mọc lên trên khe hố... Một không gian thật ấm áp, tĩnh lặng, yên bình. Cựu chiến binh Đinh Trua thong thả ôm một bó lá mì khập khiễng đến bờ ao bên nhà rải xuống cho cá. Đàn cá trắm cỏ quẫy đuôi đốp mồi, tung tóe nước. Già Trua nở nụ cười đầy tự hào: “Cũng nhờ cá mà cả làng làm nên chuyện: Có gạo nấu, có bữa ăn tươi ngon, có nhà ngói, xe máy và có cả những con đường mới mở xe lớn có thể chạy đến tận ngọn núi xa để khai thác keo, mì...”.

Có cuộc sống tươi mới hôm nay, bà con ở thôn Gò Chè luôn nhớ ơn già Trua đã đem con cá từ đồng bằng lên nuôi ở hồ này và từ con cá đã giúp dân làng từng bước đi lên. Ông Đinh Văn Tép kể: Ngày đó, sau chiến tranh, dân làng trên núi Thạch Bích chuyển xuống chân núi này sinh sống. Làng dựng nhà theo triền hố nên chẳng có đất rộng bằng phẳng mà sản xuất. Cứ hết mùa đến vụ, bà con lên nương phát dọn tỉa hạt, rồi khai hoang vỡ hóa hình thành những đám ruộng lúa nước bên hóc núi. Có năm hạn hán, sâu bệnh hại lúa nên bà con thất thu. Cái ăn bấp bênh, cứ thế kéo dài qua bao mùa. Những ngôi nhà sàn tranh tre nứa lá được dựng lên sau ngày giải phóng đã bị mục nát bà con đã thay, lợp lại bao lần mà cuộc sống vẫn không thay đổi.

Mùa Đông về, đêm dài hơn ngày, cái đói cứ cồn cào ruột gan. Rồi một hôm, dân làng thấy già Đinh Trua thức dậy sớm hơn mọi khi. Dưới làn mưa trắng trời, già Trua đã lấy chiếc xe đạp cũ kỹ lâu nay chưa cỡi ra khỏi làng, gói theo đùm cơm mắm, đèo bình đông nước đi tìm bạn. Hơn 1 ngày đường, trên chiếc xe cà tàng, già đã gặp được ông Vinh ở Đức Phổ-huyện cực nam của tỉnh Quảng Ngãi, bạn cùng sinh ra tử thời chiến tranh. Hai con người, với hai dân tộc khác nhau, ông Trua nói tiếng Kinh chưa rành nhưng tình bạn tâm giao một thời ở chiến hào đã giúp bạn ông hiểu ông đang cần gì. Cuộc “trà dư, tửu hậu” chưa đầy buổi thì bạn ông đã ra ao bên nhà bắt cá lên nấu đãi bạn hiền. Ruột đói, cá ngon, làm ông Trua tò mò và ngẫm nghĩ sao bạn mình có thể bắt cá bỏ ao nuôi cải thiện được cuộc sống. Trên quê mình nước chảy quanh năm, sao không làm thế? Thế là ông quyết định hỏi bạn về cách nuôi cá... Được lời như cởi tấm lòng, ông Trua quay về quê, lập tức huy động già trẻ, thanh niên, phụ nữ giúp ông đào ruộng thành ao. Ông cựu chiến binh Đinh Tép thấy thế cũng cầm cuốc giúp ông Trua. Hai ngày ròng rã với cuốc, xẻng, đào hốt, khoảnh ruộng của ông Trua bỗng chốc thành ao chứa đầy nước. Mùa đông đi qua, khi mặt trời lên kéo xuân về ấm áp, ông Trua lại lần nữa quay ngược về đồng bằng mua 900 con cá trắm cỏ thả xuống dòng nước ngọt nơi này. Con cá bơi đi trong nắng sớm, chở bao hy vọng đổi đời. Thế là từ đó, bà con trong làng cứ thấy ông Trua sớm chiều khập khiễng lên núi, lúc kiếm tổ kiến, lúc bó lá mì, cỏ, rau lang, về cho cá... Con cá gặp dòng nước mát đầu nguồn lớn nhanh như thổi. Sau 3 tháng ông bắt đầu thu hoạch biếu bà con trong làng ăn thử và bán ít kiếm tiền mua cá giống thả xuống lại.

Thấy con cá ngon chẳng khác nào cá dưới suối Thạch Bích, bà con trong làng đến học hỏi ông Trua, mạnh dạn đào ao nuôi cá theo. Cứ thế, dải ruộng dài theo triền hố Gò Chè bỗng chốc thành những ao nuôi cá. “Lúc đầu, bà con nuôi cốt để cải thiện bữa ăn gia đình, nhưng tiếng lành đồn xa, bà con ở các thôn, xã Long Mai, Thanh An, Hành Dũng (Nghĩa Hành) đến mua, rồi một số tiểu thương dưới đồng bằng cũng lên dạm hỏi mua để đem về xuôi bán. Từ đó, ao cá trở thành bồ lúa đầy của dân làng nơi đây”-ông Tép vui vẻ nói.

“Con cá” vẽ đường đi cho dân

 

Nhờ nuôi cá mà dân Gò Chè đã có cuộc sống thanh bình. Ảnh: Trường An
Nhờ nuôi cá mà dân Gò Chè đã có cuộc sống thanh bình. Ảnh: Trường An

Nếu như ngày xưa, làng Gò Chè chỉ có đường mòn lên núi xa Thạch Bích, Chàng Ràng để canh tác thì bây giờ có cả đường lớn, xe ben, xe tải lên tới nơi để  chở nguyên liệu keo, mì. Ông Đinh Trua nói đùa: “Cũng nhờ con cá vẽ đường...”. Nói rồi già lại giải thích: “Nhờ con cá, cuộc sống của bà con được cải thiện, nhưng để có của làm nhà, để lo tương lai cho bọn nhỏ hay để dành lúc đau ốm thì chỉ dựa vào rừng trồng cây nguyên liệu. Trong khi đó, dân làng còn đói khổ,  lúc chưa có đường, mỗi khi vận chuyển gỗ keo trên núi xuống, hay thu hoạch mì về làng thì tiền công cũng đã chiếm hết.


Già Trua nghĩ thế, nhưng đôi chân của già khập khiễng chẳng làm gì được, ông Gút, ông Tép người biết làm ăn cũng bị thương tật nên không chỉ dẫn cho bà con. Già Trua quyết định huy động dân làng đóng góp tiền từ bán cá để thuê xe đào, xe ủi mở đường lên núi. Người có đất sản xuất nhiều trên núi thì đóng góp 1 triệu đồng, người chỉ có rẫy để trồng hoa màu thì đóng góp từ 100 ngàn đến 500 ngàn đồng. Riêng già Trua, già Gút và ông Nam người tiên phong đi đầu nên đã đóng góp người 3 triệu, 5 triệu đồng. Sau vài ngày huy động, hai tuyến đường đầu tiên được mở lên núi Chàng Ràng dài hơn 2,5 km được thông suốt.

Có đường sá thông thương, những chuyến xe chở gỗ keo cứ thế nối đuôi nhau về đồng bằng, bà con kiếm thu nhập gấp 4-5 lần ngày trước khi chưa mở đường. Dân làng phấn khởi vì sự thuận lợi của con đường nên già Trua tiếp tục huy động mở đường lên núi Thạch Bích. Con đường được mở rộng đến nay đã hơn 3 năm, giúp cho bà con thôn Gò Chè đỡ thất thoát tiền của lẫn công sức. Vừa kết thúc đợt thu hoạch keo, ông Đinh Văn Xanh, cho biết: Nhà thu được 200 triệu đồng tiền keo, gửi ngân hàng hết rồi. Ngày xưa cũng đất đó, nhưng thu được ít lắm, đủ tiền làm nhà này, mua được chiếc xe máy thôi. Giờ, nhờ con đường nên thu nhập cao hơn”.

Cuộc sống của là con thôn Gò Chè đã đổi thay nhờ phần công sức của những người thương binh tàn nhưng không phế, như ông Trua, ông Tép... Họ lặng lẽ góp sức cùng dân làng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trường An

Có thể bạn quan tâm