(GLO)- Chỉ sau 5 năm nỗ lực lao động không mệt mỏi trên diện tích hơn 2 ha đất gò đồi, vợ chồng anh Đặng Thắng Sinh và chị Dương Thị Phạm, dân tộc Dao, ở làng Ry Dao (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro, Gia Lai) đã xây dựng thành công mô hình V.A.C có giá trị hàng tỷ đồng.
Anh Đặng Thắng Sinh trên ruộng lúa nước của mình. Ảnh: Đinh Yến |
Chúng tôi đến thăm trang trại của vợ chồng họ vào một ngày đầu năm. Xung quanh ngôi nhà kiên cố là những thửa ruộng lúa đang thì con gái xanh mướt một màu. Được chủ nhà dẫn đi thăm những ruộng lúa dưới cái nắng gay gắt của Tây Nguyên mùa khô, tôi không khỏi khâm phục ý chí vượt khó, làm giàu của họ.
Câu chuyện biến gò đồi thành mô hình V.A.C của đôi vợ chồng trẻ này như một “kỳ tích”. Anh Đặng Thắng Sinh, kể: “Năm 2010, khi vừa đặt chân tới làng Ry Dao, thấy cuối làng có một gò đồi bỏ hoang là tôi mê rồi. Tìm chủ nhân để hỏi thuê thì họ nói cho mượn, làm gì thì làm. Thấy thế tôi đưa cho chủ đất 1 triệu đồng. Từ đây vợ chồng tôi quyết tâm phát triển kinh tế, tần tảo vỡ đất từ sáng sớm đến tối mịt, phát hoang cỏ cây, lau lách sau đó trồng mì, trồng rau. Những ngày đầu khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều lúc tôi phải đi phun thuốc, tưới nước, làm cỏ mía thuê. Ban ngày làm thuê, tối về tôi lại phát hoang. Có chút tiền, vợ chồng tôi thuê máy xúc cải tạo gò đồi thành những thửa ruộng lúa nước”.
Cứ thế, chẳng bao lâu, khu gò đồi hơn 2 ha của anh chị đã hình thành nên một trang trại V.A.C, với 1 ha trồng lúa nước, cùng với ao thả cá, chuồng trại nuôi heo, bò, gà, vịt, ngan, ngỗng. Đất tốt nên anh chị gieo trồng 3 vụ/năm mà năng suất lúa vẫn đạt 15 tạ/sào. Có lúa, anh chị bán bớt để đầu tư mua con giống, vật dụng sinh hoạt trong gia đình rồi mua lại khu đất gò đồi này với số tiền gần 60 triệu đồng.
Tính riêng năm 2015, gia đình anh đã thu về gần 300 triệu đồng từ nuôi heo, bò, cá và bán trứng gia cầm cho bà con trong vùng. Ông Đinh Pi Yen-Trưởng thôn Ry Dao, nói: Làng có 68 hộ, trong đó có 5 hộ người Dao, còn lại là người Bahnar. Thời gian qua, người Dao và bà con trong làng sống rất đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn. Gia đình anh Đặng Thắng Sinh không chỉ làm giàu cho mình mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm lúa nước, chăn nuôi, giúp đỡ bà con làm ăn.
Trao đổi với P.V, anh Lê Văn Khánh-cán bộ nông nghiệp xã Đak Pơ Pho cho biết: “Gia đình anh Đặng Thắng Sinh là gương sáng cho bà con trong vùng học tập làm theo, nhất là làm lúa nước 3 vụ/năm. Hiện nay, bà con Bahnar trong làng vẫn còn sản xuất theo phương thức phát-đốt-chọc-tỉa; năng suất lúa đạt thấp, cả năm chỉ gieo trồng được 1 vụ dù hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn về tới ruộng. Việc thay đổi tập quán sản xuất cho bà con Bahnar nơi đây không phải một sớm một chiều nhưng gương sáng của vợ chồng anh Sinh sẽ là động lực giúp bà con thay đổi cách làm ăn.
Đinh Yến