Báo xuân

Cổ vật nơi ngã ba sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thung lũng Ayun Pa, nơi gặp nhau của con sông mẹ-Ayun và sông cha-Pa như hòa quyện, sản sinh một vùng đất trù phú bạt ngàn lúa nước, mía, bắp lai và lắng đọng những trầm tích văn hóa độc đáo.

Trống thiêng buôn Rưng

Như nhiều người am hiểu về văn hóa bản địa, bà H’Kliơng (65 tuổi, buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) luôn đau đáu nỗi niềm về gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Với bà: “Điều đáng tiếc là hình ảnh những chiếc trống thiêng đặt cố định trên ngôi nhà dài đặc trưng của người Jrai đang ngày càng thưa thớt nơi các buôn làng”. Bởi vậy, bà luôn khuyên bảo con cháu phải bằng mọi giá lưu giữ chiếc trống thiêng Hgor Knong từ thời xưa ông bà để lại như một báu vật của dòng họ, buôn làng.  
 

Bà Rcom H’Kliơng và chiếc trống thiêng Hgor Knong. Ảnh: Nguyễn Tú

Theo tiếng Jrai, Hgor Knong có nghĩa là trống lớn nhất. Tang trống được làm từ thân gỗ H’Găi to mấy người ôm khoét rỗng bên trong. Đây là loại gỗ chỉ riêng ở núi Chư Jú thuộc xã Ia Rbol xưa kia mới có. Hai mặt trống bịt bằng da trâu và suốt dọc thân trống cũng vậy. Trống Hgor Knong ở nhà bà H’Kliơng có đường kính mặt trống hơn 1,5 mét, chiều dài thân trống hơn 2 mét. Đây là một chiếc trống thuộc vào hàng lớn nhất, hiếm hoi còn lưu giữ được tới ngày nay ở thung lũng Ayun Pa.

Hgor Knong là trống thiêng chỉ dùng vào việc lễ cúng trong nhà như: cúng mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà; cúng mừng đám hỏi, đám cưới; đặc biệt, trống Hgor Knong đánh lên để báo hiệu khi nhà có người sắp chết… Trống đi kèm với bộ chiêng cúng. Chính vì thế trống và chiêng không thể đưa cho người khác mượn. “Khi nghe tiếng trống vang lên theo nhịp điệu rộn ràng thì dân làng biết được nhà có việc vui để kéo đến uống rượu mừng. Còn khi nghe tiếng trống giật đứt quãng, âm vang “thùng thịch! thùng thịch!” nghe như đau đớn, ai oán thì dân làng đều biết đấy là báo hiệu nhà có người sắp chết”-bà H’Kliơng lý giải.

Chiếc trống Hgor Knong do bà cố nội của bà H’Kliơng dùng 2 con voi đổi lấy rồi truyền lại. “Khi giặc Pháp kéo đến vùng Cheo Reo-Phú Bổn, nghe gia đình có chiếc trống lạ ông quan tư người Pháp rất thèm muốn. Hắn kéo đám lính lê dương xộc vào nhà một mực đòi cướp trống mang đi. Bà nội của tôi đã phải cống nạp một con voi và 20 ghè rượu quý, chúng mới chịu thôi”-bà H’Kliơng tiết lộ.

Báu vật còn lại

Giữa lúc cồng chiêng và những cổ vật có giá trị của Tây Nguyên không ngừng bị “chảy máu” thì ở thung lũng Ayun Pa nhiều người vẫn giữ được những vật phẩm văn hóa vô giá. Già làng Rô Nang ở Plei Ama Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa là người tiêu biểu trong việc bảo lưu những giá trị đó. Người Jrai coi cồng chiêng, chum ché và những cổ vật khác là báu vật bởi chúng chính là một phần lai lịch của buôn làng, giữ cổ vật chính là giữ hồn làng.
 

Dàn ghè cổ của nhà bà H’Kliơng ngày xưa mỗi cái phải đổi bằng nhiều con trâu bò. Ảnh: nguyễn Tú

“Ông nội mình lập ra cái làng này từ lúc chỉ có 3 nóc nhà. Nay đến mình làng có đến 118 hộ. Mình giữ lại đồ của ông cha là giữ cho làng. Khi vào hội hay làng có việc hệ trọng, không có tiếng trống, tiếng chiêng, không có cái chum, cái ché của ông cha đem ra dùng, người Jrai không vui bụng được đâu...”. Truyền thống và âm hưởng của buôn làng Tây Nguyên như lắng sâu, gói gọn trong câu nói mộc mạc của vị già làng 88 tuổi này.

Ông Rô Nang còn giữ được hai bộ chiêng cổ kađơ và arăp cùng nhiều loại chum ché quý có tuổi hàng trăm năm. Thêm một của hiếm là chiếc khiên gỗ hình nón-vật chắn tên của người Jrai xưa trong giao chiến với kẻ thù. Bộ chiêng cổ kađơ có 8 cái lớn nhỏ, chỉ đánh khi làm lễ cầu mưa, cúng ăn mừng. Còn bộ arăp có 11 chiếc lớn nhỏ, để đánh trong lễ tang ma. “Có nhiều người đến năn nỉ mình bán nhưng làm sao mà bán được. Ông bà mình bán cả mấy chục con vừa trâu vừa ngựa mới sắm được những cái chiêng, cái ché quý này mà. Mình biết giờ ít ai còn được hai bộ chiêng cổ to lớn như của mình nên phải quyết giữ lại cho làng...”-già làng Rô Nang trầm giọng như tiếng vọng của những cổ vật đại ngàn.
 

Ảnh: Nguyễn Tú

Càng kỳ lạ hơn khi, có lần con gái ông bị bệnh hiểm nghèo chạy chữa hết tiền của, có người gạ gẫm ông bán 2 bộ chiêng quý này để lấy tiền thuốc thang cho con nhưng ông đã lắc đầu từ chối và đau đớn nuốt lệ nhìn con gái mình về với ông bà. Đã có không ít người nói ông bị gàn, nhưng có lẽ tôi hiểu được phần nào cái sự đau đớn và vinh dự của ông khi mang trong mình trọng trách níu giữ lại vật quý cho buôn làng, con cháu về sau.

Đức Phương-Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm