Kinh tế

Còn ách tắc trong thi công xây dựng cơ bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù các công trình trả nợ và chuyển tiếp đã thực hiện xong thủ tục đầu tư xây dựng trước khi bố trí vốn, nhưng các chủ đầu tư chưa tích cực đôn đốc các nhà thầu thi công để đạt khối lượng hoàn thành và giải ngân vốn kế hoạch cao hơn, tránh khó khăn về thời tiết những tháng cuối năm…

Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 của tỉnh Gia Lai gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 1.414,9 tỷ đồng; vốn ODA 84 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng thực hiện toàn tỉnh đạt gần 523 tỷ đồng (38,22% so với kế hoạch); đã giải ngân gần 456 tỷ đồng (đạt 33,33% so với kế hoạch). Trong đó, các công trình chuyển tiếp (bao gồm các công trình được ghi vốn kế hoạch để trả nợ khối lượng hoàn thành) có khối lượng hoàn thành gần 226 tỷ đồng (trên 28,4%); giá trị giải ngân đạt gần 46,3% (tương đương 139 tỷ đồng); các công trình khởi công mới, khối lượng hoàn thành gần 156 tỷ đồng (35,6%), giải ngân gần 95 tỷ đồng, đạt gần 22%.
 

Chủ đầu tư và nhà thầu phải có trách nhiệm chi trả phần trượt giá cho các công trình thi công chậm tiến độ. Ảnh: K.L

Hầu hết các nguồn vốn đều đã có giá trị giải ngân và khối lượng hoàn thành. Các công trình khởi công mới có giá trị giải ngân chủ yếu là phần vốn ứng trước cho nhà thầu. Song, nhiều chương trình, dự án có giá trị giải ngân thấp dẫn đến tổng giá trị giải ngân và tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh không cao. Trong đó, một số địa phương tỷ lệ giải ngân thấp như: Ayun Pa (gần 17%); Kbang (gần 25%); Ia Pa (27%)… Các sở, ngành, đơn vị trực thuộc tỉnh có khối lượng hoàn thành và giá trị giải ngân thấp so với mức trung bình chung của tỉnh như: Ban Quản lý Khu kinh tế; Sở Giáo dục-Đào tạo; Sở Giao thông-Vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế… Ngoài ra còn nhiều chủ đầu tư hoàn toàn chưa có khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân vốn như: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Công ty TNHH Công trình đô thị, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội…

Các công trình chậm tiến độ triển khai thi công trước năm 2012 chủ yếu thuộc các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu năm 2011 và trái phiếu Chính phủ năm 2011. Ngoài ra có một số công trình sử dụng vốn JICA và cân đối ngân sách địa phương. Hiện có 12 dự án chậm tiến độ, trong đó 6 dự án đã dừng thi công (có 5 công trình do Công ty Bình An thi công) là đường ra xã biên giới Ia Chía-Ia O (huyện Ia Grai), đường liên xã Nghĩa Hưng, Chư Jôr (huyện Chư Pah), đường vành đai D2 Khu Lâm viên Biển Hồ, đường vào xã Đak Pling (huyện Kông Chro), bãi kiểm tra xe xuất nhập khẩu phía Bắc và đường trục chính của Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. 6 dự án đang triển khai thi công nhưng tiến độ rất chậm là tỉnh lộ 663, đường tỉnh 670B, đường Đ27 (thị trấn Phú Thiện), kè chống sạt lở sông Ia Sol (huyện Phú Thiện), đường từ thị trấn Kbang đi xã Krong, đường vành đai phía Đông TP. Pleiku. UBND tỉnh liên tục có công văn yêu cầu các chủ đầu tư xử lý các gói thầu chậm tiến độ thuộc các công trình này từ năm 2011, tuy nhiên đến nay các chủ đầu tư và các nhà thầu vẫn chưa có các biện pháp triển khai hiệu quả để hoàn thành.

Nguyên nhân chính khiến các công trình này chậm tiến độ là do các chủ đầu tư chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan cũng như ràng buộc nhà thầu phải thi công theo đúng hợp đồng đã ký kết. Thêm nữa, phần vốn còn lại của các công trình này bị thu hồi hoặc cắt vốn không bố trí lại vào năm 2012 và 2013 nên cũng gây khó khăn cho các chủ đầu tư và các nhà thầu. Về vấn đề này, ông Trần Thế Vinh-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “UBND tỉnh đang tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xin kéo dài thời gian thực hiện phần vốn này. Về phần trượt giá, chủ đầu tư và nhà thầu phải có trách nhiệm chi trả do thi công chậm tiến độ”.

Thời gian từ nay tới cuối năm, khối lượng phải hoàn thành trong công tác xây dựng cơ bản còn khá nhiều. Để hoàn thành theo đúng kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ đã chỉ đạo các chủ đầu tư phải tập trung kiểm tra, đôn đốc các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2013, có biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc ở từng dự án. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các công trình nằm trong kế hoạch phải khởi công được ngay trong tháng 7, tháng 8 tới; rà soát và linh hoạt trong việc điều chuyển nguồn vốn ở những dự án không có khả năng thi công, đồng thời tăng cường huy động nguồn thu để đảm bảo không giảm chi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả lựa chọn nhà thầu của mình. Tất nhiên, UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và các tổ chức trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm