(GLO)- Mồ côi cha mẹ khi chỉ mới 3 tuổi, được ông bà ngoại đem về nuôi dưỡng, lớn lên lấy vợ sinh con rồi xây nhà thờ cúng cha mẹ trên lô đất được ông bà ngoại mua bằng tiền trợ cấp của cha. Bỗng dưng một ngày người dì ruột làm bìa đỏ đứng tên mình và đuổi gia đình cháu ra khỏi nhà. Chính quyền địa phương can thiệp, bà con hàng xóm phản ứng nhưng người dì vẫn đưa đơn kiện cháu ra tòa...
Theo lời của vợ chồng anh Võ Đức Tân và chị Võ Thị Huệ ngụ tại thôn 9, xã An Phú, TP. Pleiku: Cha mẹ anh Tân bị bệnh chết khi anh chưa đầy 3 tuổi, chị gái anh lúc đó vừa lên 8.
Sau khi cha mẹ chết, hai chị em được ông bà ngoại đem về nuôi dưỡng. Tiền trợ cấp của cha anh được một người hàng xóm tên là Huỳnh Thị Cấn (trú tại thôn 9, xã An Phú) và dì ruột là bà Trần Thị Kim Tuyết nhận về đưa cho ông ngoại. Năm 1972, ông ngoại đã mua một lô đất có diện tích 1.950 m2 để cho hai chị em anh Tân. Thế rồi, ông bà ngoại lần lượt qua đời mà không để lại di chúc cho cháu, chỉ nói rằng: “Số tiền trợ cấp trước đây của cha cháu để lại và số tài sản của gia đình cháu ông bà mua cho hai chị em lô đất để khi các cháu lớn lên làm nhà ở”.
Người dân thôn 9 trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: L.H |
Ngày giỗ đầu của ông (6-9-1984) nhân có mặt đông đủ con cháu, những người trong gia đình đã họp lại và viết giấy chia cho anh Tân 800 m2 đất. Sau đó, anh Tân lấy vợ, được sự giúp đỡ một phần vật chất của cậu ruột và bà con lối xóm, vợ chồng anh đã làm nhà trên mảnh đất nói trên và nộp thuế sử dụng đất, và sử dụng từ đó tới nay.
Năm 2006, bà Trần Thị Kim Tuyết bỗng tuyên bố đất này là của bà và đuổi vợ chồng anh Tân ra khỏi nhà. Vợ chồng anh Tân không đi, bà Tuyết cùng với chồng, con, anh em đến nhà anh Tân đập phá, buộc anh Tân phá nhà trả lại đất. Khi anh Tân tìm hiểu mới hay đầu năm 1990, bà Tuyết đã tự ý đứng ra đăng ký toàn bộ diện tích 1.950 m2 bằng tên bà mà không hề có sự đồng ý của anh Tân. Trước sự bất công trên, hàng xóm, chính quyền địa phương đã vào cuộc can ngăn, khuyên giải thì cả nhà bà Tuyết mới thôi hành hung vợ chồng đứa cháu của mình.
Biết chúng tôi đến tìm hiểu sự việc, người dân trong thôn đã đến rất đông. Mọi người ai cũng bức xúc và sẵn sàng làm chứng tại tòa. Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Tôi về đây ở từ năm 1975 nên hiểu rất rõ nguồn gốc lô đất này. Hồi đó, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn không có điều kiện mua đất ở ngoài quốc lộ nên tôi có hỏi ông Phê (ông ngoại của cháu Tân) mua một phần mảnh đất để xây nhà ở tạm nhưng ông Phê không đồng ý. Ông bảo: “Đây là đất tôi lấy tiền trợ cấp của cha cháu Tân sau khi ông ấy mất mua để sau này lớn lên nó lấy vợ làm nhà nên không thể bán được”. Vậy mà bà Tuyết lại đi kiện để lấy phần đất này. Cháu Tân mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi thấy đau lòng lắm. Chẳng hiểu sao lại có người vô tâm đến vậy”.
Bà Huỳnh Thị Cấn cho rằng: “Tôi không biết bà Tuyết nghĩ gì mà đi giành đất với nó (anh Tân)? Cha mẹ cháu Tân chết để lại hai chị em côi cút, tuy được ông bà ngoại nuôi dưỡng nhưng thời đó ông bà ngoại cũng khó khăn lắm. Chị cháu Tân theo chồng về Quảng Ngãi, giờ lại bệnh tật nằm một chỗ. Đây là căn nhà vừa để vợ chồng con cái nó ở, vừa làm nơi thờ cúng cha mẹ, vậy mà bà Tuyết kéo chồng, con, anh em đến hù dọa nhằm chiếm đoạt lô đất, đuổi cháu ra khỏi nhà. Nhà nó nghèo thế này, giờ đuổi thì nó đi đâu, về đâu? Hơn nữa, chính tôi là người đi nhận tiền trợ cấp của cha cháu Tân về đưa cho ông Phê, ông Phê có nói với tôi là số tiền này sẽ mua cho 2 đứa cháu ngoại một lô đất để sau này lớn lên cháu làm nhà ở”.
Các cụ Lê Qua (83 tuổi), Trần Mun (82 tuổi), Lê Thọ (67 tuổi), Đỗ Huy Hoàng (SN 1924), Đỗ Lục (SN 1932), Trần Thiện (SN 1930) cùng trú tại thôn 9 đã bày tỏ sự phẫn nộ khi chứng kiến cảnh cả gia đình bà Tuyết kéo đến, dùng dao, rựa, gậy gộc, gạch đá đập phá tài sản, cây cối của đứa cháu để đuổi đi, thậm chí có lúc giữa bữa cơm trưa lấy đá ném tung cả mâm cơm rồi đuổi đánh cả nhà-thấy mà uất ức.
Trò chuyện với chúng tôi, các cụ đều cho rằng các cụ có cơ sở để chứng minh sự thật lô đất nói trên. “Lô đất này mua từ khoảng năm 1972 bằng tiền trợ cấp của cha cháu Tân, chúng tôi là những người ở đây, chúng tôi nắm rất rõ. Bà Tuyết không thể cướp đất của cháu Tân được, kể cả bà Tuyết có kiện ra tòa đi chăng nữa chúng tôi cũng sẵn sàng kéo cả thôn ra tòa làm chứng”- cụ Lê Qua buồn bã.
Còn ông Phan Quang Tạo (73 tuổi), Trưởng ban Mặt trận, kiêm Trưởng ban hòa giải thôn 9 thì chia sẻ: Vụ tranh chấp mảnh đất này hòa giải gần 30 lần rồi mà không thành. Bà Tuyết là dì ruột của cháu Tân nhưng lại xử sự thiếu cái tình. Cháu Tân là người hiền lành, vợ chồng nó cả thôn này ai cũng thương, vậy mà bà Tuyết lại nhẫn tâm chiếm đoạt lô đất của vợ chồng nó. Tại buổi hòa giải trước chính quyền xã, tôi đã cầu xin bà Tuyết hãy thôi mà thương lấy cháu mình nhưng bà Tuyết vẫn không nghe. Đúng là tình người đã mất”.
Để có cơ sở khẳng định thêm, chúng tôi làm việc với ông Hồ Văn Khương-Phó Chủ tịch UBND xã An Phú. Ông cho hay: “Không phải chỉ mỗi người dân của thôn 9 bức xúc đâu mà chính quyền chúng tôi cũng bức xúc lắm. Chúng tôi đã hòa giải quá nhiều lần nhưng bà Tuyết bất hợp tác, thẩm quyền của xã chỉ đến mức hòa giải chứ không thể làm khác được. Tôi khẳng định bà Tuyết hoàn toàn sai nhưng bà Tuyết lại rất ngang bướng. Vợ chồng anh Tân sống ở đây từ nhỏ, lô đất này chính là của ông bà ngoại để lại cho anh Tân. Ra tòa, tôi sẵn sàng làm chứng, không thể để một cá nhân muốn làm gì thì làm được”.
Như vậy, sự việc đã quá rõ và chân lý sẽ được khẳng định. Có lẽ rồi đây, sẽ có một phiên tòa xét xử công khai.
Lệ Hằng