(GLO)- Cuối tháng 12 vừa qua, sự kiện khởi công, nâng cấp tuyến quốc lộ 19 là dấu mốc đáng kể nhất khu vực trong nhiều năm qua. Nó không chỉ là tin vui đối với 2 tỉnh liền kề (Gia Lai và Bình Định) cùng hưởng lợi từ công trình này mà quan trọng hơn, nó cho thấy tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội nội vùng và còn mở rộng ảnh hưởng ra cả khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và cả vùng Đông Bắc Thái Lan.
Ngược về quá khứ
Sơ lược khảo cứu từ dân gian và các nhà khoa học, có thể thấy rằng từ mấy trăm năm trước, mối liên hệ mỏng manh giữa vùng núi rừng Trường Sơn-Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung chủ yếu là việc trao đổi hàng hóa gồm nông-lâm- thổ sản với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, theo những con đường tiểu mạch xuyên rừng được mở ra theo mùa và theo nhu cầu thời điểm.
Quốc lộ 19 đoạn qua TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. |
Chỉ trong một, hai thế kỷ trước đây, khi bác sĩ Yersin khởi sự thám hiểm vùng đất sau này là thành phố du lịch Đà Lạt, các lớp nhà truyền giáo mở “nước Chúa” lên hướng Kon Tum… thì cao nguyên mới dần bước ra khỏi đời sống bộ tộc với văn hóa làng- rừng, dần được đánh thức bởi những dòng ánh sáng văn minh mới. Theo nghiên cứu của học giả H.Maitre, trong cuốn “Rừng người Thượng”, nhiều trăm năm trước, dòng sông Ba từ cửa biển Đà Rằng (Tuy Hòa) ngược lên bình nguyên Ayun Pa (Gia Lai) chính là con đường lý tưởng nhất để các vương triều, các thế lực theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau có mặt trên cao nguyên Pleiku, cao nguyên Đak Lak, và cả ở vùng Nam Lào bây giờ.
Các đế chế Chăm Pa, Khơ Me, Đại Việt và cả người Pháp, trong lịch sử vài trăm năm, đã từng tạo dấu ấn lên toàn bộ khu vực. Rồi, câu ca dao có “tuổi đời” không dưới trăm năm: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên” không chỉ phản ánh về mối quan hệ trao đổi hàng hóa bình thường như “tiền thân” của một nền kinh tế hàng hóa sau này, mà sâu xa hơn, nó còn cho thấy sự thành hình, ổn định về quan hệ xã hội và nhân văn giữa miền xuôi và miền ngược, cho thấy sự nhắn gửi kín đáo cái nhân tình rừng-biển dưới cái vỏ hàng hóa thô mộc kia… Và cùng ở giữa thời kỳ lịch sử này, theo con đường từ vùng Duyên hải Trung bộ ngược lên Tây Nguyên, anh em nhà Tây Sơn đã làm nên kỳ tích khi tiên phong mở đường lập nghiệp từ vùng Tây Sơn Thượng đạo, tức An Khê (Gia Lai) ngày nay.
Quốc lộ 19 đã vắt qua đây trăm năm. Giờ chuẩn bị “lột xác” để kết nối mở rộng và góp phần đánh thức mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực của một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều quốc gia…
“Đường lớn đã mở”…
Những ai quan tâm hoặc từng đi lại nhiều trong khu vực sẽ nhận ra rất rõ rằng: Hầu hết trong 10 tỉnh thuộc Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia đều rất xa biển. Các tỉnh Bắc Campuchia như: Rattanakiri, Stung Treng, Crachê, Kông Pông Thom, Kông Pông Chàm, Prech Vihear muốn xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển phải về qua thủ đô Phnôm Pênh. Ở Lào, vốn không có biển, thì ngay các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan liền kề cũng phải đưa hàng về qua thủ đô Băng Kok, huống chi các tỉnh Attapeu, Sê Kông, Xa La Van, Chăm Pa Săk… của Lào. Vì vậy, con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất vẫn là qua cảng Quy Nhơn, vốn nằm cách đô thị trung tâm vùng-TP. Pleiku, Gia Lai, chỉ có 180 km. Và con đường này, đã mở.
Đường 19, đoạn qua Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Bích Hà |
Cần điểm lại một số thông tin quan trọng liên quan đến Tam giác phát triển, được nêu ra tại Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 8 diễn ra ở TP. Kon Tum vào cuối năm vừa rồi. Theo đó, trong các năm 2011-2012, các tỉnh Campuchia đạt mức tăng trưởng GDP trên 9%, các tỉnh thuộc Lào tăng trưởng 11,4 %, các tỉnh Việt Nam tăng trưởng 10%. Về đầu tư, Việt Nam hiện có 25 dự án ở Campuchia với tổng vốn 1,4 tỷ USD, 50 dự án ở Lào với tổng vốn 1,65 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện.
Chiều ngược lại, Lào đã đầu tư 5 dự án, Campuchia đầu tư 2 dự án vào Việt Nam thuộc vùng Tam giác phát triển với tổng vốn khoảng 200.000 USD. Ba bên cũng đã xây dựng “Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia giai đoạn 2010-2020”. Các chính sách tạo sự thông thoáng chung cũng được cả 3 chính phủ ngày càng quan tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng… Phần lớn thành quả từ sự hợp tác này sẽ cần một “đường ra” hợp lý nhất.
Tuyến quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) được triển khai xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp I đô thị; đoạn đầu nối từ cảng Quy Nhơn khoảng 15 km, mặt cắt ngang rộng từ 32 mét đến 50 mét, với 6 làn xe cùng dải phân cách và vỉa hè, với tổng mức đầu tư gần 5.300 tỷ đồng. Toàn tuyến quốc lộ, được phân kỳ 3 giai đoạn và hoàn thành vào năm 2020. Đây sẽ là quốc lộ đẹp nhất miền Trung-Tây Nguyên, mở ra vận hội mới cho toàn vùng.
Như khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Ngân- Phó Chủ tịch Quốc hội, tại lễ khởi công công trình: “Tuyến quốc lộ 19 có tầm chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội (…), tạo sự kết nối giữa miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan”.
Nguyễn Thịnh