(GLO)- Thời gian qua, lực lượng Công an huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã phối hợp với đội ngũ già làng, trưởng thôn, người uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
“Điểm tựa” tinh thần của dân làng
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi theo chân cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Phú Thiện đến gặp ông Ksor Hleo là già làng, kiêm Trưởng thôn Knông (thị trấn Phú Thiện). Vừa rót ly nước mời khách, bỗng chuông điện thoại của ông Hleo reo vang. Nghe điện thoại xong, ông Hleo bảo: “Tôi phải đi qua giúp Pher một chút việc rồi về liền”. Trời nắng chang chang nhưng chẳng kịp đội mũ, ông chạy bộ đến nhà ông Nay Pher cùng làng. Thì ra ông Pher đang bán mì, mắt kém và không biết chữ nên nhờ Trưởng thôn qua cân mì giùm. Sống có tình, có nghĩa như thế nên ông Hleo luôn được dân làng quý mến. Ông còn là người có đóng góp không nhỏ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ bình yên cho buôn làng.
Chuyện ông Siu Yun (65 tuổi, làng Knông) hoàn lương và vươn lên làm giàu có sự giúp sức tích cực của ông Hleo. Năm 2010, sau 5 năm chấp hành án phạt tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, ông Yun trở về sinh sống ở địa phương. Được Công an huyện, chính quyền địa phương và già làng Hleo thường xuyên động viên, giúp đỡ, ông Yun đã từng bước vượt qua mặc cảm, chăm lo làm ăn, đầu tư trồng 10 ha mì, hơn 7 sào lúa, chăn nuôi thêm gia súc… Đến nay, thu nhập của gia đình ông lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có cuộc sống khá giả như ngày hôm nay, ông Yun luôn trân quý sự giúp đỡ tận tình của già làng Hleo. “Khi mãn hạn tù trở về, tôi cảm thấy mặc cảm với bà con. Được già làng Hleo và cán bộ Công an huyện thường xuyên chia sẻ, động viên nên tôi cảm thấy nhẹ lòng và xóa bỏ được mặc cảm, chăm lo phát triển kinh tế”-ông Yun tâm sự.
Cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Phú Thiện tranh thủ tiếp xúc với già làng Ksor Hleo. Ảnh: H.T |
Già làng Hleo chia sẻ: “Làng Knông có 3 người từng bị phạt tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Thời gian đầu trở về địa phương, họ thường mặc cảm, tự ti. Tôi thấy việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những trường hợp này từ bỏ hành vi sai trái là rất quan trọng, không những với bản thân họ mà còn với người dân trong làng. Những ngày đầu, việc tiếp xúc với họ rất khó khăn nhưng tôi cùng các cán bộ Công an huyện vẫn kiên trì gặp, động viên. Tôi còn vận động bà con giúp đỡ họ nhiều ngày công để ổn định cuộc sống. Đến nay, mọi người đã đoạn tuyệt với “Tin lành Đê ga”, chăm lo lao động để phát triển kinh tế”.
Đại úy Hồ Sỹ Tài-Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Phú Thiện-chia sẻ: “Chúng tôi đang tranh thủ sự giúp đỡ của hơn 200 người uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo... Bên cạnh phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật thì những người có uy tín đã thường xuyên cung cấp cho cơ quan Công an nhiều nguồn tin có giá trị, qua đó kịp thời đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Với sự nhiệt tình, luôn thấu hiểu, sẻ chia mọi vui buồn với người dân, những người có uy tín là chỗ dựa tinh thần cho bà con và có đóng góp quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương”.
Nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân
Thời gian trước, chị Nay Thuyn (làng Amăng, thị trấn Phú Thiện) thường lo lắng mỗi khi tối đến vì Nay Lâm (17 tuổi, con trai chị) cùng đám bạn điều khiển xe máy ra đường rú ga inh ỏi, lạng lách đánh võng. Nhiều đêm nằm nhưng chẳng ngủ được, chị sợ con gây tai nạn hoặc vi phạm pháp luật. Chị Thuyn chia sẻ: “Tôi khuyên nhưng nó không nghe. Ngày đi làm trên rẫy, tối về nó cùng nhóm thanh niên tụ tập uống rượu rồi chạy xe ra đường, sợ lắm!”.
Một hôm, chị Thuyn nghe thông báo Công an huyện về làng tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ. Mặc dù không biết điều khiển xe máy nhưng vì Trưởng thôn đã đến từng nhà vận động nên chị cũng tham gia. Khi biết Công an huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình răn dạy thanh niên hư hỏng, có hành vi sử dụng xe máy chạy lạng lách đánh võng gây mất an toàn giao thông, chị Thuyn liền báo Trưởng thôn đưa Lâm ra giáo dục. Sau đó, Lâm cùng một số thanh niên được mời lên Công an huyện làm việc. Chị Thuyn và mọi người trong gia đình vui mừng khi Lâm từng bước thay đổi, tự tháo ống pô xe máy độ chế. Lâm cũng không còn đi chơi khuya và luôn tu chí làm ăn, giúp đỡ gia đình.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện đã phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ tại 12 thôn, làng thuộc 6 xã với gần 2.000 lượt người tham dự. Cùng với việc tuyên truyền, đơn vị đã phối hợp với các đội nghiệp vụ vận động cá biệt 165 thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, yêu cầu tháo gỡ gần 100 pô xe máy độ chế, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Cũng qua các buổi tuyên truyền pháp luật, quần chúng nhân dân đã tự nguyện giao nộp hơn 40 khẩu súng tự chế.
Đại tá Lê Quang Trung-Trưởng Công an huyện Phú Thiện-cho biết: Để làm tốt công tác tuyên truyền, Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó nòng cốt là già làng, trưởng thôn, người uy tín. Nội dung tuyên truyền cũng được chọn lọc vừa ngắn gọn, dễ hiểu, được dịch qua tiếng Jrai để bà con dễ tiếp thu với các nội dung như Luật Giao thông Đường bộ; cấm chế tạo, sử dụng súng; bài trừ hủ tục còn tồn tại trong thôn, làng; cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc của bọn phản động FULRO, không tụ tập nhóm họp “Tin lành Đê ga”… “Trên cơ sở những kết quả đạt được, Công an huyện tiếp tục chỉ đạo các đội nghiệp vụ bên cạnh tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nêu cao ý thức cảnh giác, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự”-Đại tá Lê Quang Trung cho biết.
HỮU TRƯỜNG