Chính trị

Tin tức

Công tác giám sát của HĐND tỉnh: Trọng tâm và thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2013, ngoài hoạt động giám sát toàn diện tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã tổ chức 25 đợt giám sát, khảo sát trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Việc giám sát đã giúp cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chịu sự giám sát, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tốt hơn, có trách nhiệm cao trong việc giải quyết những bức xúc, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Qua các đợt giám sát đã có hàng chục ý kiến, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tâm huyết khả thi, trách nhiệm nhằm đảm bảo nghị quyết của HĐND đi vào cuộc sống.
 

Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với các ban ngành của tỉnh về việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự. Ảnh: Tiến Dũng

Những vấn đề nóng, nhạy cảm đều được “giám sát, khảo sát và đặt trên bàn nghị sự” để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất, nhiều kiến nghị được “đeo bám” yêu cầu các cơ quan quản lý, cũng như các cơ quan hữu trách thực hiện. Minh chứng  là HĐND các cấp đã giám sát, chất vấn Ban Quản lý Thủy điện 7 (Ban 7) và đôn đốc, khảo sát việc thực hiện lời hứa sau chất vấn. Nhờ vậy, những tồn tại, kiến nghị bức xúc của nhân dân đã được Ban 7 tập trung giải quyết một phần, làm giảm bớt căng thẳng mỗi lần tiếp dân và tiếp xúc cử tri.
 

Cụ thể là Ban 7 làm đường qua vùng bán ngập 105 ha cho nhân dân đi sản xuất tại xã Xuân An (thị xã An Khê); khai hoang giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư ở huyện Kbang; lập phương án thu hồi và bồi thường, hỗ trợ 443,95 ha đất nông nghiệp trên bị ngập thuộc huyện Kbang.

Tuy nhiên vẫn còn ách tắc. Liên quan đến thủy điện An khê-Ka Nak,  nhân dân còn nhiều bức xúc, kiến nghị chính đáng như việc xả lũ, hạn hán, môi trường, đe dọa cả tính mạng và làm thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và nhiều hộ dân, việc bồi thường, hỗ trợ, giải quyết đường đi sản xuất… HĐND các cấp phải tiếp tục đeo bám, đôn đốc Ban 7 thực hiện, đồng thời  kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm giải quyết một cách căn cơ về hậu quả hàng năm do thủy điện gây ra.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã thường xuyên liên tục phản ánh tại các kỳ họp cũng như phối hợp với cơ quan chức năng, báo chí, giám sát việc thực hiện các kiến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp được giao rừng nghèo chuyển sang trồng cao su (52 dự án đầu tư của 20 doanh nghiệp, với diện tích 35.462 ha) thực hiện cam kết sử dụng lao động dài hạn là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy đã có những chuyển biến nhất định, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 tuyển 731 lao động dài hạn là đồng bào dân tộc tại chỗ. Các doanh nghiệp còn lại chỉ  tuyển dụng 32 lao động dài hạn là đồng bào dân tộc thiểu số (với diện tích đã trồng mới hơn 14.000 ha). Chính vì vậy cả hệ thống chính trị, các đại biểu dân cử cần tiếp tục lên tiếng, có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

 

Trong hơn 6 năm qua, số vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là 11.200 vụ nhưng chỉ khởi tố hình sự 125 vụ. Chính vì vậy, diện tích rừng của tỉnh từ 761.800 ha năm 2006 đến nay chỉ còn gần 659.000 ha. Nhiều xã đã không còn rừng, nhưng trên bản đồ và sổ sách vẫn còn cả trăm ha rừng.

Trên lĩnh vực thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, HĐND tỉnh có 8 đợt giám sát, khảo sát đã phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót tồn tại đồng thời có hàng chục ý kiến, kiến nghị cũng như cảnh báo các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo kiểm tra, trong tổ chức thực hiện… Tỉnh đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng cho các công trình: nước sạch (247 tỷ đồng, hiệu quả chỉ đạt 55%), nhiều công trình vệ sinh trường học, nhà văn hóa tại thôn làng, cơ sở làng nghề (gần 9 tỷ đồng)… Trong báo cáo đầu tư đều khẳng định là rất bức xúc và cần thiết song khi công trình hoàn thành thì bỏ hoang hoặc không phát huy hiệu quả. Phải chăng các dự án này xuất phát từ nhu cầu bức thiết của nhân dân?

Qua giám sát trên lĩnh vực đầu tư giao thông, thủy lợi, xây dựng, HĐND tỉnh cũng đã phát hiện, kiến nghị, chất vấn nhiều vấn đề cử tri bức xúc điển hình như: một số công trình mặc dù đã được gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ (đường 663, cầu qua công viên các dân tộc, cầu qua sông Ba huyện Ia Pa). Công trình kém chất lượng như đường Chư A thai-Ia Yeng. Hoặc yêu cầu cơ quan chức năng giải trình làm rõ trách nhiệm, việc nhà thầu ứng vốn ngân sách hàng tỷ đồng mà công trình bỏ dở dang như: đường từ thị trấn Kông Chro-Đak Pling…

Trong lĩnh vực thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, qua giám sát khẳng định, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều giải pháp bảo vệ phát triển rừng nên đã giảm thiểu các vụ vi phạm. Tuy nhiên diện tích rừng ngày càng giảm và nghèo đi bởi các thủ đoạn phá rừng ngày càng tinh vi khó kiểm soát. Do đó, HĐND tỉnh cũng kiến nghị tỉnh cần rà soát kiểm kê, đánh giá chất lượng, diện tích rừng để có giải pháp bảo vệ, phát triển rừng hữu hiệu nhất.

Trong lĩnh vực quản lý ngân sách, HĐND tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh, cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt, cứng rắn trong xử lý nợ thuế, trốn thuế với khoản nợ tính đến ngày 30-6-2013 là 636,5 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, HĐND tỉnh cũng đã kiến nghị phải tiếp tục quan tâm giải quyết đất cho 4.027 hộ đồng bào các dân tộc thiếu đất sản xuất. HĐND cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát thu hồi các dự án “treo” do nhà đầu tư thiếu năng lực, không thực hiện cam kết, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 dự án khu đô thị mới để tránh lãng phí. Kiến nghị khắc phục những lỗ hổng trong quản lý, cấp phép… dẫn đến nhiều vi phạm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp, các nhà hàng trên địa bàn gây thất thu ngân sách. HĐND cũng đã phát hiện những bất cập trong khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là việc kết dư mỗi năm hàng trăm tỷ đồng quỹ khám-chữa bệnh BHYT của tỉnh phải chuyển về Trung ương. Kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp thu nợ bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp các đơn vị, với số tiền lên đến 28,6 tỷ đồng ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động. HĐND tỉnh cũng có nhiều đề xuất và kiến nghị về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác đấu tranh phòng-chống ma túy…

Hàng chục ý kiến, kiến nghị đúng thẩm quyền, có tính khả thi cao đều vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tập trung khắc phục. Qua thực tiễn khẳng định: Lãnh đạo cơ quan chịu sự giám sát và nhân  dân đều rất cần tiếng nói phản biện có tính xây dựng, vì lợi ích của nhân dân. Hoạt động này cũng chứng minh năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu đại diện cho nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân nhân.

Đinh Duy

Có thể bạn quan tâm