Chính trị

Tin tức

Công tác xây dựng Đảng trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, Gia Lai luôn chú trọng thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị và Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết nạp đảng viên, đoàn viên, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước).

Việc thành lập các tổ chức đảng trong khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển theo đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong khu vực DN ngoài nhà nước thời gian qua luôn đảm bảo quy định của Điều lệ Đảng. Thông qua việc kết nạp đảng viên, đoàn viên và lập tổ chức đảng, đoàn thể trong DN, đã góp phần vào công tác tạo nguồn phát triển Đảng, cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, giúp người lao động thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình trong DN, giúp DN sản xuất kinh doanh, mở rộng liên doanh liên kết và thu hút vốn đầu tư, nâng cao uy tín của DN…

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Nhật
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.301 DN thuộc khu vực ngoài nhà nước (gồm 2 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 179 công ty cổ phần tư nhân, 1.157 công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, 879 doanh nghiệp tư nhân, 6 công ty hợp doanh, 68 doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã và 12 DN có vốn nhà nước không chi phối) với tổng số lao động trên 35.780 người. Các khu vực DN ngoài nhà nước chủ yếu sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực xây dựng, gia công, chế biến gỗ, thu mua và chế biến nông sản, khai thác khoáng sản. Quy mô các DN ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, một số sản phẩm bước đầu đã được xuất khẩu và khẳng định ở thị trường nước ngoài. Tổng nguồn vốn của các DN khu vực ngoài nhà nước năm 2011 là 1.020 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 55 tổ chức cơ sở đảng thuộc khu vực DN ngoài nhà nước (chiếm 2,39% so với tổng số DN) với 878 đảng viên (gồm 1 DN thành lập theo Luật Hợp tác xã với 12 đảng viên, 1 DN tư nhân với 17 đảng viên, 36 công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân với 477 đảng viên, 6 công ty cổ phần tư nhân với 81 đảng viên). Bên cạnh đó, khu vực DN ngoài nhà nước có 73 Công đoàn cơ sở (chiếm 3,22% so với tổng số DN) với 2.708 đoàn viên Công đoàn, có 28 tổ chức Đoàn Thanh niên (chiếm 1,22% tổng số doanh nghiệp) với 799 đoàn viên…

Thực tế trên cho thấy, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong khu vực DN ngoài nhà nước còn nhiều mặt hạn chế như một số cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu nội dung trong Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trong DN có lúc chưa thường xuyên, triệt để, chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Việc xây dựng và phát triển các tổ chức đảng khu vực DN ngoài nhà nước chưa được quan tâm thường xuyên, nhiều chủ DN chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong DN nên không muốn thành lập tổ chức đảng…

Ngoài ra, nhiều DN không có đảng viên hoặc chỉ có từ 1 đến 2 đảng viên là những lao động hợp đồng ngắn hạn nên không đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng. Ngoài ra, nhiều DN có số lượng công nhân ít, công nhân làm hợp đồng theo thời vụ cho nên rất khó khăn cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Một số bộ phận công nhân chỉ quan tâm đến vấn đề thu nhập nên chưa xác định được động cơ để phấn đấu vào Đảng cũng như các tổ chức đoàn thể.

Bên cạnh đó, nhiều DN chưa thành lập tổ chức đoàn thể hoặc có những vai trò của tổ chức đoàn thể chưa thể hiện rõ, nội dung hoạt động chưa thiết thực, các phong trào thi đua yêu nước trong DN còn hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa có tác động tích cực trong việc đoàn kết tập hợp người lao động. Trong đó có thể nhìn từ tổ chức Công đoàn, cán bộ hầu hết kiêm nhiệm và hưởng lương từ chủ DN nên thời gian đầu tư cho công tác Công đoàn hạn chế, tâm lý ngại va chạm với chủ DN khi phát sinh mâu thuẫn về lợi ích. Việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công đoàn DN chưa kịp thời.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN nói chung và ở khu vực DN ngoài nhà nước nói riêng, trong buổi làm việc mới đây giữa đoàn công tác của Tỉnh ủy Gia Lai với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, ông Phạm Đình Thu-  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị- nhất là công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong DN.
Gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng và đoàn thể trong các DN với đoàn kết tập hợp thanh niên và người lao động tại các DN, góp phần cùng với các DN giải quyết những khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phổ biến kịp thời chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động, cũng như quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tăng cường công tác dân chủ ở cơ sở, kiểm tra giám sát của Đảng tại các DN. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các DN phát triển.

Phát huy vai trò tổ chức đảng trong việc định hướng cho các DN hoạt động đúng theo quy định pháp luật. Tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm