Phóng sự - Ký sự

Cột mốc chủ quyền đặc biệt: Mốc trên miền đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các mốc giới số 400, 500 trên tuyến biên giới Việt - Trung do Bộ đội biên phòng Hà Giang quản lý bảo vệ, có những nét rất đặc trưng của vùng đất này.
Sau bãi đá tai mèo
Từ đường 4C, hướng TP.Hà Giang lên TT.Đồng Văn, đến ngã ba Lũng Thầu (xã Sà Phìn, H.Đồng Văn), sẽ thấy đường bê tông bên trái, chạy lên vùng núi đá tai mèo trùng điệp. Đó là đường vào mốc giới số 400. Phía Việt Nam là thôn Sán Sì Tủng (xã Sà Phìn). Bên kia Trung Quốc là thôn Sà Lủng (trấn Đồng Cán, H.Ma Ly Pho, Vân Nam).
 
Bộ đội Đồn biên phòng Sơn Vĩ bên mốc giới số 500.
Từ thôn Sán Sì Tủng, để xe máy lại và đi bộ trên bãi đá tai mèo sắc nhọn, khoảng 15 phút là tới mốc 400 cạnh đường mòn, nhân dân 2 bên qua lại từ lâu, giờ đã có hàng rào phía Trung Quốc.
Mốc giới số 400 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, có độ cao 1562,26 m tọa độ địa lý 23° 15’ 40,179” vĩ độ bắc - 105° 13’ 39,878” kinh độ đông.
 
Du khách chụp hình lưu niệm bên mốc 400.
Khu vực này có chốt quản lý, bảo vệ biên giới của Đồn biên phòng Phó Bảng (Hà Giang). Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Triệu Văn Sơn (chốt trưởng) cho biết: “Cán bộ xã, huyện và giáo viên địa bàn lân cận vào thăm chốt, thế nào cũng đòi ra chụp hình bên mốc 400, bởi đó là… số đẹp, hiếm có”.
 
Đội tuần tra Đồn biên phòng Sơn Vĩ thực hiện nghi thức chào cột mốc biên giới.
Mốc trong rừng già
Từ Đồn biên phòng Sơn Vĩ (đóng quân ở xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, Hà Giang), đại úy Nguyễn Văn Hoàn, Phó đồn trưởng Biên phòng Sơn Vĩ, chỉ tay lên dãy núi cao ngất xanh rì hướng bắc, bảo: “Mốc 500 cách đây hơn 1 km đường chim bay”. Thấy chúng tôi bóp bóp đôi chân sưng vù sau cả tuần leo mốc, đại úy Hoàn cười: “Nhưng chim… leo núi thì phải luồn rừng, hơn 1 tiếng”.
 
Đường vào thôn Sán Sì Tủng để lên mốc 400. Ảnh: M.T.H - N.Đ.L
Đường lên mốc giới số 500 chủ yếu luồn qua những cánh rừng lá thấp đan dày từ chân núi. Độ dốc từ 50o - 70o. Đất núi toàn đất sét lẫn với đá nhỏ, nên việc leo trèo rất vất vả. Chúng tôi liên tục trơn ngã, phải níu vào các thân cây nhỏ ven đường mòn để nhích từng bước lên mốc.
Mốc giới số 500 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, độ cao 1148,89 m, xung quanh là rừng già âm u; tọa độ địa lý 23° 11’ 18,792” vĩ độ bắc - 105° 32’ 57,792” kinh độ đông. Phía bên Trung Quốc (thôn Lũng Pồ, hương Bách Đô, H.Nà Pô, tỉnh Quảng Tây), lực lượng chức năng của bạn làm hàng rào dây thép gai cách mốc 500 khoảng 5 - 6 m, phía trên hàng rào đặt 1 đèn pha chiếu ánh sáng cả khu vực mốc và phát loa tuyên truyền…
Đại úy Nguyễn Văn Hoàn kể: “Có thời điểm rét dưới 0 độ, cây cối đóng băng, đường mòn trơn như đổ mỡ, nhưng anh em vẫn duy trì tuần tra theo kế hoạch thường lệ. Rét buốt là của trời, bộ đội bảo vệ biên giới thì không thể vì rét mà lơ là nhiệm vụ”.
(còn tiếp)
Trong năm 2022, Bộ đội biên phòng Hà Giang đã tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới được 579 lần với 2.692 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1.877 dân quân, công an tham gia. Chủ trì, phối hợp các lực lượng duy trì 23 chốt kiểm soát, 12 tổ kiểm soát cơ động với 170 cán bộ, chiến sĩ (trong đó 128 bộ đội biên phòng, 32 dân quân, 10 công an) tham gia thường trực tuần tra kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các đường mòn, lối mở trên biên giới.
Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy Bộ đội biên phòng Hà Giang
Theo Mai Thanh Hải - Nguyễn Độc Lập (TNO)

Có thể bạn quan tâm