Sức khỏe

Tin tức

Covid-19: Sứ mệnh thế kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu mỗi người trong số 7,8 tỉ người trên thế giới cần 2 liều vắc-xin Covid-19 thì phải mất 2 năm mới vận chuyển xong.



Bắt đầu từ tuần sau, Anh - quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19 do 2 hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phát triển - sẽ bắt tay vào một trong những sứ mệnh hậu cần lớn nhất và phức tạp nhất toàn cầu: Phân phối vắc-xin đến hàng tỉ người dùng để đặt dấu chấm hết cho đại dịch hiện nay!

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính nếu 7,8 tỉ người trên thế giới cần một liều vắc-xin/người thì cần đến 8.000 chiếc máy bay chở hàng Boeing 747 với tải trọng tối đa 110 tấn. Trong trường hợp mỗi người cần 2 liều thì khoảng 14 tỉ liều kể trên cần đến 2 năm mới vận chuyển xong. Theo ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành IATA, hiện có chừng 2.000 máy bay chở hàng được sử dụng và số thiếu hụt phải trông chờ vào 22.000 máy bay bình thường.

Lufthansa (Đức), một trong các hãng hàng không chở hàng lớn nhất thế giới, bắt đầu lên kế hoạch vận chuyển vắc-xin Covid-19 ngay từ tháng 4 năm nay. Ngoài Lufthansa, hãng hàng không chuyên bay đường dài lớn nhất thế giới là Emirates (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), hãng hàng không nhà nước Trung Quốc China Eastern Airlines… đều có những chuẩn bị riêng.


 

Hãng hàng không Lufthansa (Đức) lập đội chuyên trách để nâng sức chứa trên máy bay chở hàng của hãng từ tháng 4 năm nay Ảnh: BLOOMBERG



Trước mắt, Pfizer có kế hoạch vận chuyển 1,3 tỉ liều vắc-xin đến cuối năm sau. Công ty Moderna (Mỹ) có kế hoạch sản xuất khoảng 500 triệu liều trong khi AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) có năng lực sản xuất lên đến 2 tỉ liều, với phân nửa số này nhắm đến các nước thu nhập thấp và trung bình. Trở ngại lớn nhất trong quy trình vận chuyển và phân phối vắc-xin của Pfizer-BioNTech là phải luôn bảo đảm nhiệt độ ở âm 70 độ C, lạnh hơn cả mùa đông ở Nam cực.

Khi được đưa đến nơi cần, vắc-xin của Pfizer-BioNTech có thể được trữ trong các tủ đông với nhiệt độ cực thấp (có thể kéo dài hiệu quả vắc-xin lên 6 tháng) hoặc trữ trong tủ lạnh bệnh viện (trong 5 ngày với mức nhiệt 2-8 độ C) hoặc trong thùng giữ nhiệt đặc biệt của Pfizer (có thể giữ lạnh tối đa 15 ngày bằng cách châm thêm đá khô). Hãng tin Bloomberg cho biết hầu như không có loại máy bay nào có khả năng duy trì nhiệt độ cực thấp cho hàng hóa nên các hãng hàng không phải dựa vào các thùng hàng đặc biệt của Pfizer trong lúc vận chuyển.

Hiện nay, nhiều hãng hàng không Mỹ như United Airlines, Delta Air Lines, American Airlines… và các công ty vận chuyển như FedEx, UPS (Cơ quan Dịch vụ bưu chính Mỹ)… lên tiếng sẵn sàng tham gia vận chuyển một khi vắc-xin của Pfizer-BioNTech được phê duyệt tại nước này. Sự khẩn trương trên không phải là thừa bởi ngày 4-12 (giờ địa phương) là hạn chót để các bang của Mỹ nộp yêu cầu về số liều vắc-xin Pfizer-BioNTech muốn mua cũng như xác định các địa điểm nhận hàng. Nhiều khả năng Mỹ sẽ nhận được vắc-xin Pfizer-BioNTech vào cuối tháng này, theo hãng tin AP.

Trong khi đó, từ tháng trước, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã kêu gọi khoảng 40 hãng hàng không hỗ trợ vận chuyển vắc-xin Covid-19 tới 92 nước nghèo nhất thế giới, chiếm khoảng 70% dân số toàn cầu. Với đặc điểm địa lý gần một số nước nghèo nhất châu Á, Singapore có thể là một điểm trung chuyển lớn.

 


Không chỉ ngành hàng không mà tại nhiều nơi, xe hơi, xe buýt, xe tải hay xe máy, xe đạp, lừa ngựa… - kể cả vác bộ - cũng sẽ được trưng dụng để vận chuyển vắc-xin Covid-19. "Không phải ở đâu cũng có thiết bị giữ lạnh sâu. Các công ty dược cần nghiên cứu thêm nữa để vắc-xin Covid-19 dễ sử dụng hơn" - ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới mang tên Viện Serum Ấn Độ, chỉ ra. Ngoài ra còn phải tính tới các yếu tố an ninh như làm giả vắc-xin, cản trở phân phối…

Theo HẢI NGỌC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm