Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia tiếp xúc gồm các ông, bà: Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đại tá Đinh Văn Thê-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Rơ Châm H’Phik-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Chư Păh.
Tham gia các buổi tiếp xúc còn có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo 2 huyện Kbang, Kông Chro cùng đông đảo cử tri xã Nghĩa An và Chư Krêy.
“Nóng” vấn đề đất đai, giao thông
Tại các buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo đến cử tri về chương trình, nội dung của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, cử tri các xã Nghĩa An và Chư Krêy đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi đến đại biểu Quốc hội.
Cử tri Nguyễn Tấn Việt (thôn 1, xã Nghĩa An) cho biết: Nhiều năm qua, một số hộ dân, nhất là ở làng Lợt vay mượn tiền của đại lý trên địa bàn để mua giống, phân bón phục vụ sản xuất và buộc phải bán lại nông sản cho các đại lý. Điều này dẫn đến tình trạng người dân bị ép giá hoặc trả lãi cao nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Đề nghị các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
“Đặc biệt, việc thi công tỉnh lộ 669, nhất là hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, chỗ cần thì không có, chỗ không cần thì lại làm mương, khiến nước không thoát được nên chảy tràn vào nhà dân. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn bất cập, rườm rà, phải đi lại nhiều lần. Đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến để các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết thấu đáo, tránh gây bức xúc trong Nhân dân”-ông Việt kiến nghị.
Còn cử tri Lê Văn Vĩnh (thôn 2, xã Nghĩa An) thì bức xúc: Hiện nay, đường vào Khu di tích quốc gia Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu bị cỏ cây phủ kín. Việc này không những gây mất mỹ quan khu di tích mà còn khiến người dân, du khách đến tham quan gặp nhiều khó khăn. Đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức phát quang tuyến đường cũng như định kỳ dọn vệ sinh khu vực này nhằm tạo cảnh quan, tạo điều kiện để người dân, du khách đến tham quan.
Ngoài ra, cử tri Lê Văn Vĩnh còn phản ánh: “Tôi thấy rất bất cập khi bắt buộc học sinh đóng bảo hiểm y tế tại trường học, bởi nếu đóng theo hộ gia đình thì chi phí sẽ thấp hơn. Đề nghị các cấp xem xét, tính toán lại cho phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người dân, nhất là đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn”.
Cử tri xã Chư Krêy cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng; đặc biệt, quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.
Cử tri Đinh Dưr (làng Lơ Pơ, xã Chư Krêy) kiến nghị: “Đường giao thông từ xã đến làng, từ làng đến khu sản xuất hiện chưa được đầu tư gây khó khăn trong đi lại, vận chuyển nông sản. Đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm có ý kiến đến các cấp chính quyền bố trí đầu tư bê tông hóa, cứng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống”.
Còn theo cử tri Đinh Hơi (làng Veh) thì nêu ý kiến: “Chư Krêy là xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở. Tôi cũng như bà con trong làng mong đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị đến các cấp có chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất cũng như giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”.
Giám sát quá trình giải quyết các kiến nghị
Dịp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tặng 24 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn 2 xã Nghĩa An và Chư Krêy.
Sau các ý kiến của cử tri 2 xã, lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương đã lần lượt trả lời các nội dung thuộc thẩm quyền.
Ông Đinh Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Thời gian qua, địa phương đã thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cũng như giao thương, vận chuyển nông sản của người dân.
Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn, huyện cũng từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cũng như hỗ trợ xây dựng nhà ở nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Huyện cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri xã Chư Krêy và sẽ tiến hành rà soát, có hướng giải quyết trong thời gian tới.
Còn ông Phan Đăng Bính-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kbang thì cho hay: Đa số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc đất rất phức tạp, phải mất nhiều thời gian để xác minh, tránh tình trạng khiếu kiện sau này.
Bên cạnh đó, do cơ sở dữ liệu về đất đai (bản đồ địa chính được đo đạc trước năm 2000) có sai số quá lớn nên quá trình triển khai mất nhiều thời gian để rà soát, đo đạc lại. Vì vậy, mong người dân và cử tri thông cảm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết phù hợp.
Về việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cấp chồng lấn, không đúng mục đích, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-thông tin: Theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu do UBND huyện thực hiện, trường hợp sai mục đích, chồng lấn thì cơ quan cấp huyện có trách nhiệm thu hồi để cấp lại.
Liên quan đến những bất cập trong thi công tỉnh lộ 669, ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Sở xin tiếp thu toàn bộ ý kiến của cử tri về những vấn đề liên quan đến thi công tỉnh lộ 669. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên ngoài đầu tư mặt đường toàn tuyến thì trước mắt chỉ chọn một số đoạn trọng yếu để đầu tư mương thoát nước.
“Chúng tôi cũng sẽ bố trí nguồn vốn thường xuyên hàng năm để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước trên toàn tuyến. Đây là tuyến giao thông vừa thi công, vừa khai thác nên trong quá trình triển khai có phát sinh một số bất cập, mong bà con cử tri trên địa bàn chia sẻ với đơn vị thi công.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện tổ chức rà soát ý kiến của người dân trên toàn tuyến về những bất cập, báo cáo lại để Sở nắm và giải quyết trong thời gian tới”-ông Sơn thông tin thêm.
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương cảm ơn những ý kiến đóng góp chính đáng của cử tri, qua đó đã thể hiện được trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển chung của đất nước và địa phương.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng cũng như nêu tại nghị trường Quốc hội để sớm có ý kiến trả lời cho người dân. Đồng thời, Đoàn cũng sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết của cơ quan chức năng đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri 2 xã Nghĩa An, Chư Krêy nêu.
Liên quan đến vấn đề được nhiều cử tri phản ánh, kiến nghị và gây bức xúc cho người dân thời gian qua là việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục về đất đai chậm, nhiều phiền hà, bà Siu Hương cho biết: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh và nhận thấy còn những bất cập, hạn chế như cử tri phản ánh.
“Qua đây, tôi đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng giải quyết các thủ tục về đất đai cho người dân. Luật Đất đai 2024 vừa mới ban hành, có rất nhiều quy định mới và đã phân cấp về cho địa phương rất nhiều nội dung, đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng với việc phổ biến cho người dân về chính sách pháp luật mới thì cần quán triệt đến cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp xã để nắm vững và thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị.