Cẩn trọng với cúm mùa
Tại Bệnh viện Nhi Gia Lai, trung bình 1 ngày bệnh viện tiếp nhận và thăm khám cho khoảng 400 bệnh nhi; trong số này trên 50% là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đưa con đến thăm khám, chị Nguyễn Hoài Thu (làng Nha Hyơn, xã Chư Á, TP. Pleiku) chia sẻ: Con tôi sốt, ho, sau đó thì chuyển sang viêm phổi. Trước đó, cả nhà tôi đều bị bệnh cúm B vừa mới khỏi.
“Hiện nay, tình hình bệnh cúm diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh nặng biến chứng và có cả trường hợp tử vong nên tôi rất lo lắng. Riêng gia đình tôi đã định đi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm nhưng chưa kịp tiêm thì mắc bệnh”- chị Thu nói.
Còn chị Kpuih Lý (làng O Ngol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) cho biết, suốt một tuần qua, con gái chị bị sốt cao, đau đầu, đau bụng và đau cơ. Mình đã đến tiệm thuốc mua thuốc cho con uống nhưng bệnh không đỡ mà ngày càng nặng hơn, vì vậy mình đưa con lên Bệnh viện Nhi Gia Lai thăm khám.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai, thời tiết khô, lạnh, gió mùa làm gia tăng nguy cơ bệnh cúm (hay còn gọi vi rút đường hô hấp). Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, dù đã sang Xuân nhưng trời lạnh kéo dài, số trẻ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính tại tỉnh cũng có chiều hướng gia tăng.
Bệnh cúm mùa có thể tự khỏi sau một thời gian nhưng bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe và có thể gây tử vong, nhất là các đối tượng nguy cơ cao gồm: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người cao tuổi, người có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu, những người béo phì…Một số biến chứng của bệnh cúm như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim,, suy đa tạng, viêm não, nhiễm trùng huyết…
“Hiện nay, một số người dân có thói quen khi bị bệnh thường tự mua thuốc uống mà không qua thăm khám, chẩn đoán của các bác sĩ, việc này có thể làm cho bệnh diễn biến nặng hơn gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, khi có các triệu chứng của bệnh cúm như ớn lạnh, mệt mỏi, sốt cao, đau đầu, đau cơ…; người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị theo chỉ định của các bác sĩ. Bệnh cúm có thể phòng được bằng việc tiêm vắc xin cúm. Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng từ căn bệnh này. Người dân cần chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh”- bác sĩ Linh khuyến cáo.
Người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh
Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm mùa, nhiều người dân Gia Lai đã chủ động tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh. Chị Trần Thị Thu Lệ (tổ 1, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) cho biết: Qua nghe thông tin thời sự, tôi biết bệnh cúm đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều ca biến chứng nặng, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ nhỏ… Vì vậy, gia đình tôi chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Khi đến điểm tiêm chủng, không chỉ gia đình tôi mà còn rất đông người dân cũng đi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Bác sĩ A Thị Hải Vân-Trung tâm tiêm chủng VNVC Pleiku thông tin: Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại vi rút cúm khi cơ thể tiếp xúc mầm bệnh, từ đó giúp giảm mắc bệnh cũng như nhập viện, tử vong do các biến chứng nguy hiểm của cúm gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, suy đa cơ quan… Vắc xin cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.
“Theo các nghiên cứu, vắc xin cúm có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, giúp giảm 47% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15-45%. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vắc xin giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm vắc xin cúm ngoài bảo vệ mẹ còn giúp truyền kháng thể thụ động cho trẻ sơ sinh khi sinh ra, giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm”- bác sĩ Vân cho hay.
Hiện VNVC có hai loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới. Các vắc xin phòng 4 chủng vi rút phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm cơ tim, suy hô hấp... Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng tiêm chủng ngừa cúm. Từ 9 tuổi trở lên và người lớn chỉ cần tiêm một mũi cúm. Vắc xin cần nhắc lại một mũi hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Theo bác sĩ Vân, thời điểm sau Tết, từ ngày 1-2 đến ngày 6-2, ngay sau khi Hệ thống tiêm chủng VNVC hoạt động trở lại, các trung tâm ghi nhận số lượt người đến tiêm cúm cũng như quan tâm, tìm hiểu vắc xin cúm qua các cuộc gọi đến tổng đài tư vấn và liên hệ qua Website, Facebook… tăng cao. Theo thống kê, số người chủ động đến tiêm vắc xin cúm tại các Trung tâm tiêm chủng VNVC An Khê và Pleiku nói riêng và gần 220 trung tâm trên cả nước tăng gần 200% so với ngày thường. Trong đó nhóm người lớn, người cao tuổi chiếm gần 50%.
“Lý do nhu cầu tiêm vắc xin cúm tăng là có nhiều người dân bị trễ lịch tiêm cúm trong dịp Tết Nguyên đán cộng thêm những lo ngại vì có các ca tử vong, nhập viện do cúm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vắc xin cúm trước khi quay trở lại trường học do lo ngại bị lây nhiễm trong môi trường tập thể”-bác sĩ Vân nhấn mạnh.