Kinh tế

Cung ứng nguồn giống chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1 năm triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, đến nay, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Gia Lai đã chọn ra những vườn ươm giống cà phê đạt tiêu chuẩn được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận vườn cây giống đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu cho người dân thực hiện tái canh trong thời gian tới.

Dự án VnSAT thực hiện hợp phần tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, được triển khai từ năm 2016 với những bước “chạy đà” thuận lợi giúp người dân thấy được hiệu quả trong việc tái canh vườn cà phê già cỗi thay bằng giống mới, chất lượng để nâng cao năng suất và sản lượng.

 

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng hướng dẫn kỹ thuật chọn giống cà phê. Ảnh: N.D

Để định hướng công tác sản xuất cây giống cà phê phục vụ tái canh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4510/QĐ-BNN-TT ngày 1-11-2016 về tiêu chí vườn ươm, tiêu chuẩn cây giống, quy trình chứng nhận vườn ươm cà phê áp dụng cho Dự án VnSAT. Thực hiện quyết định này, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có Quyết định số 170/QĐ-SNN về việc cấp giấy chứng nhận vườn ươm đạt tiêu chuẩn. Quyết định trên đã được Ban Quản lý Dự án VnSAT  Gia Lai thông báo rộng rãi cho người dân 3 huyện nằm trong dự án và hiện đã mở rộng thêm 3 huyện cùng tham gia thực hiện.

Ông Trần Xuân Minh-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh, cho biết: Để phục vụ nguồn giống cà phê tái canh theo Dự án VnSAT, thời gian qua, Trung tâm đã chủ động lựa chọn những giống cà phê có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng cho người dân trồng tái canh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Theo đó, Trung tâm đã lấy giống từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên với các giống TRS1 giống lai đa dòng và từ giống TR4 đến TR13. Những giống này đã được ươm đúng theo tiêu chuẩn quy định, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Bên cạnh đó, giống có bao bì, nhãn mác ghi nơi sản xuất, các tiêu chuẩn kỹ thuật như: đất đóng bầu phải đủ độ mùn, không bị nhiễm tuyến trùng và một số nấm gây hại, không bị nhiễm một số loài rệp gây hại cà phê. Tiêu chuẩn xuất vườn phải đảm bảo chiều cao, số cặp lá, đường kính gốc để thể hiện đúng giống. Hiện tại, số lượng cây giống của Trung tâm lên đến 100.000 cây/năm đảm bảo các tiêu chuẩn cung cấp cho nông dân trồng tái canh. Hiện nay, vườn ươm của Trung tâm đã được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn.

 

6 vườn ươm cà phê đạt chuẩn tham gia Dự án VnSAT gồm: Công ty TNHH một thành viên Đông Đô Gia Lai (thôn Thanh Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông);  Lê Thị Gấm (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai); Công ty TNHH một thành viên Tuyết Trúc (làng Bò, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông); Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông); Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng Gia Lai (làng Chek 2, xã Chư Á, TP. Pleiku) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hồ tiêu (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).

Ông Nguyễn Xuân Vỵ-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Gia Lai, cho hay: Đến nay, nhiều hộ đã đăng ký để thực hiện tái canh cà phê với diện tích 930 ha, trong đó năm 2015-2016 đã tái canh được 145 ha, năm 2017 đăng ký là 785 ha. Các ngân hàng đã cho vay vốn được 197 ha với 103 hộ. Để chủ động nguồn giống tái canh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lựa chọn 6 vườn ươm đạt chuẩn để cung cấp nguồn giống cà phê. Ngoài 3 huyện ban đầu, đến nay, Dự án còn mở rộng thêm cho 3 địa phương khác gồm: Mang Yang, Chư Pah, Chư Sê. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn IDA từ Trung ương chưa cấp về dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Dù vậy, Ban Quản lý Dự án VnSAT Gia Lai cùng các địa phương vẫn tích cực triển khai công tác chuẩn bị nguồn giống chất lượng để phục vụ cho nông dân trồng tái canh một cách tốt nhất.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm