Kinh tế

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Ngày càng lan tỏa sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng lan tỏa sâu rộng. Tạo chuyển biến mạnh về nhận thức sử dụng hàng Việt của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phát huy tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, từng bước hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Những kết quả khả quan

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, đặc biệt với sự chủ trì, chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh thực sự phát huy được thế mạnh tuyên truyền. Bên cạnh phối hợp với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền thì Ủy ban MTTQ tỉnh đã lồng ghép các nội dung thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị; phối hợp vận động các doanh nghiệp chung tay góp sức vì cộng đồng…

 

Ảnh: Lê Lan

Các đơn vị tuyên truyền, vận động giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, qua đó, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tại địa bàn tỉnh đã có gần 100 doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hàng Việt với trên 600 chương trình khuyến mãi; tổ chức hơn 300 lượt đưa hàng Việt về nông thôn. Tỷ lệ hàng Việt trong các gian hàng ngày càng tăng cao; tại các siêu thị tỷ lệ hàng Việt chiếm đến 90%...

Đáng nói là cuộc vận động thực sự đã tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức sử dụng hàng Việt, ưu tiên dùng hàng Việt Nam của nhân dân trên địa bàn. Trên 90% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền, quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cuộc vận động và 70% người dân tham gia các buổi tuyên truyền. Phấn khởi trước những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khẳng định: Thành công cao nhất trong 3 năm triển khai cuộc vận động là sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức về hàng Việt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ý thức của người dân về hàng Việt được nâng cao, nhiều người dân đã ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là các mặt hàng phân bón, hàng tiêu dùng, dân dụng. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng mua sắm trang-thiết bị là hàng Việt Nam cũng nhiều hơn”.

Để cuộc vận động ngày một lan tỏa rộng

Mặc dù đánh giá cao những kết quả đạt được, tuy nhiên Ban chỉ đạo cũng thừa nhận quá trình triển khai cuộc vận động vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế đó là sự phối hợp tuyên truyền giữa các ban, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, chưa tiến hành thường xuyên. Có nơi chưa phát huy đầy đủ, chưa khơi dậy hết tiềm năng mua sắm hàng nội địa của nhân dân; một bộ phận người dân vẫn còn quan niệm sính hàng ngoại. Thực tế một số sản phẩm trong nước chất lượng chưa tốt, giá thành cao, hiện tượng hàng giả, hàng nhái vẫn còn. Ngoài ra, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn mang tính phong trào, thời vụ, hàng hóa đưa về chưa phong phú, đa dạng; kinh phí hỗ trợ ít, doanh nghiệp thiếu nhiệt tình…

Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Trần Ngọc Nhung-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị: Ban chỉ đạo nên phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan, yêu cầu báo cáo thường xuyên với Ban chỉ đạo để có giải pháp hữu hiệu. Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Nguyễn Xuân Quỳnh-Trưởng phòng Tuyên truyền-Văn hóa Văn nghệ cho rằng: Nên thực hiện công tác điều tra dư luận xã hội về hàng Việt tại địa phương để tìm hiểu về nhu cầu, mong muốn của người dân, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, phù hợp. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng để cuộc vận động có tác động lâu dài, không chỉ là các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, mà cần tổ chức mạng lưới phân phối bán lẻ hàng Việt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku mong muốn sự hỗ trợ về công tác tuyên truyền từ các ban ngành cũng như về kinh phí khi tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm