(GLO)- Hầu hết các đơn vị vận tải đã giảm giá cước theo giá nhiên liệu từ 2% đến 10%. Đó là kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành sau 3 ngày tiến hành kiểm tra giá cước vận tải khách tại một số doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định và taxi trên địa bàn.
Giá cước vận tải khách tuyến cố định giảm đều
Giá vé của hãng xe Gia Phúc đã giảm từ 4%-7%. Ảnh: Lê Lan |
Qua đợt kiểm tra các đơn vị vận tải và taxi thì có 4 đơn vị vận tải khách tuyến cố định là Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Trần Tiến, Hợp tác xã Cơ khí-Vận tải và Dịch vụ Diên Hồng, Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Du lịch Gia Phúc và Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ Thuận Ý đã thực hiện kê khai giá cước theo quy định. Hồ sơ kê khai cũng đã thực hiện phân tích các khoản chi phí để hình thành nên giá vé, trong đó đã căn cứ vào việc giảm giá xăng dầu để giảm giá cước (bảo đảm cơ cấu tỷ lệ giảm giá xăng dầu trong giá thành sản phẩm).
Cụ thể, theo tính toán thì tỷ lệ giảm giá nhiên liệu tính từ tháng 9-2014 đến nay khoảng 13%, các đơn vị trên đã điều chỉnh giảm giá vé dao động trong khoảng 4%-7%. Chẳng hạn, giá cước xe khách tại các hãng trên tuyến cố định Pleiku-TP. Hồ Chí Minh đã đồng loạt giảm từ 300.000 đồng/vé xuống còn 280.000 đồng/vé (đạt tỷ lệ giảm 6,6%); giá cước tuyến Pleiku-Hà Nội cũng giảm từ 650.000 đồng/vé xuống còn 620.000 đồng/vé (giảm 4,6%). Ngoài ra, tùy từng hãng xe, chất lượng xe và chặng đường mà mức giảm cũng có sự xê dịch lên xuống. Tuy nhiên theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì mức giảm giá cước vận tải hành khách các tuyến cố định tương đối hợp lý.
Song theo một số doanh nghiệp thì mức giảm trên nếu tính toán kỹ thì doanh nghiệp vẫn bị thiệt. Ông Phạm Đình Tuy-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Du lịch Gia Phúc phân tích: Giá vé giảm 20.000 đồng/vé nếu nhân với 40 ghế thì tổng số tiền giảm mỗi chuyến xe là 800.000 đồng nhưng với giá nhiên liệu hiện tại, doanh nghiệp chỉ giảm được 500.000 đồng do đường hiện nay rất xấu, không chỉ hao tốn nhiên liệu hơn mà chi phí sửa chữa hao mòn cũng nhiều hơn.
Cước taxi giảm “loạn xạ”
Đoàn kiểm tra làm việc với đơn vị vận tải. Ảnh: Lê Lan |
Mặc dù trên địa bàn chỉ có 3 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, tuy nhiên việc kê khai tính toán giảm giá cước của từng đơn vị được tính theo mỗi cách khác nhau. Chẳng hạn, đối với xe 4-5 chỗ, hãng Hùng Nhân và Huy Hoàng đều tính km mở cửa là 0,5 km và đều giữ mức giá mở cửa là 10.000 đồng trong khi Mai Linh giá cước mở cửa lại giảm từ 10.500 đồng xuống 10.000 đồng nhưng lại tính khoảng cách dài hơn 0,7 km. Tương tự, giá km tiếp theo của Hùng Nhân tính sau km mở cửa đến 12 km là 14.500 đồng/km, còn Huy Hoàng và Mai Linh lại tính đến 30 km và giá cước của Huy Hoàng 15.000 đồng/km; Mai Linh là 15.700 đồng/km… Giá cước hợp đồng vận chuyển khách đường dài cũng có sự chênh lệch khác nhau, tùy từng tuyến, tùy từng đơn vị mà tỷ lệ giảm 5%-10%. Chẳng hạn, giá cước vận chuyển tuyến Gia Lai-Kon Tum của Hùng Nhân từ 550.000 đồng giảm xuống còn 450.000 đồng; còn Mai Linh hiện đã giảm từ 650.000 đồng xuống 550.000 đồng và với chiều thứ 2 giảm còn 200.000 đồng…
Ông Lê Xuân Tùng-Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đã thực hiện nghiêm việc kê khai giảm giá cước và niêm yết giá đúng nơi quy định. Tuy nhiên vẫn còn doanh nghiệp chưa kê khai giá cước theo đúng quy định, chưa giảm hoặc tỷ lệ giảm chưa tương xứng với tỷ lệ giảm của giá nhiên liệu. Vì vậy, đoàn đã kiến nghị những đơn vị này kê khai lại giá cước theo hướng dẫn tại Thông tư 152/2014/TTLT- BTC-BGTVT ngày 15-10-2014 của Liên bộ Tài chính và Giao thông-Vận tải. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị này cần tính toán lại tỷ lệ giảm giá sao cho phù hợp với tỷ lệ giảm giá nhiên liệu”.
Lê Lan