(GLO)- Theo sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất-kinh doanh giỏi thị trấn Ia Kha-huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai; chúng tôi tìm đến nhà ông Mai Xuân Ngọc-người cựu chiến binh không những làm kinh tế giỏi được bà con hết mực quý mến. Từ nguồn thu nhập mỗi tháng, ông đã giúp nhiều gia đình trong vùng sản xuất phát triển cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau.
5.000 gốc cà phê cùng 600 trụ tiêu cho gia đình ông Ngọc thu nhập ổn định hàng năm. Ảnh: Tú Uyên |
Người con xứ Nghệ-Mai Xuân Ngọc có 4 năm rèn luyện tại Lữ đoàn 675 Bộ Tư lệnh Pháo binh đóng quân tại tỉnh Hà Bắc nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 1986 ông xuất ngũ và trở về sống tại quê nhà. Nhưng một năm sau đó ông quyết định khăn gói vào Tây Nguyên lập nghiệp và chọn vùng đất thôn 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai làm quê hương thứ hai của mình. Tại đây, với phẩm chất truyền thống quê hương và đức tính của người lính Bộ đội Cụ Hồ, nhiều năm liền Mai Xuân Ngọc đảm nhận cương vị là Bí thư Đoàn sôi nổi và nhiệt huyết của Công ty Cà phê Ia Grai. Cũng từ đó, ông đã hình thành nên mô hình sản xuất cho riêng mình.
Được Công ty cấp đất và hướng dẫn nguồn giống tốt lấy từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Ekmat)-tỉnh Đak Lak, ông bắt tay vào trồng thử nghiệm cây cà phê và hồ tiêu. Thời gian đầu do chưa có kỹ thuật chăm bón nên ông đã trải qua không ít thất bại, cà phê chưa cho năng suất tốt. Nhưng với tinh thần ham học hỏi từ những người đi trước, ông đã không dễ dàng từ bỏ quyết tâm trồng bằng được loại cây đầy tiềm năng này trên vùng đất đỏ bazan. Ngoài trồng cà phê và tiêu, có một thời gian ông đầu tư trồng 2 ha cao su nhưng không đem lại hiệu quả. “Trồng cao su phải có đất rộng trên 4 ha, hơn nữa thời gian đầu cao su chưa kịp lớn bò đã ăn hết nên tôi không tiếp tục trồng nữa. Tôi nghĩ, làm gì cũng phải chuyên canh mới mong có lợi nhuận. Chính vì thế mà vợ chồng tôi quyết tâm tập trung vào hai loại cây cà phê và hồ tiêu”- ông Ngọc tâm sự.
Nhờ sự hỗ trợ cây giống từ ông Ngọc mà anh Bluynh đã cải thiện được cuộc sống. Ảnh: Tú Uyên |
Trải qua bao năm tháng vất vả, giờ đây mô hình kinh tế của ông Ngọc cho nguồn thu ổn định. Mỗi năm, 5.000 gốc cây cà phê cùng 600 trụ tiêu cho thu nhập gần 800 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, vợ chồng ông dùng số tiền còn lại giúp đỡ bà con trong vùng. Bằng việc hỗ trợ cây giống, cho mượn tiền, thậm chí cho mượn bìa đỏ để thế chấp vay khoản tiền lớn, giúp cho nhiều hộ gia đình cải thiện đời sống và phát triển kinh tế, từ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát được nghèo.
Năm 2003 ông Mai Xuân Ngọc giúp 10 hộ dân trong thôn vay số tiền trên 10 triệu đồng/hộ để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Khi được hỏi đến những ngày đầu làm kinh tế, chị Hợi, thôn 2, thị trấn Ia Kha cho biết: “Thời gian đầu không có tiền tiếp tục phát triển vườn cà phê 600 cây, ông Ngọc sẵn sàng cho tôi mượn bìa đỏ diện tích đất 2,4 ha để thế chấp vay vốn trang trải cuộc sống và đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Đến năm 2012, tôi tiếp tục vay 300 triệu đồng từ vợ chồng ông để chăm sóc 1.500 cây cà phê cùng 200 trụ tiêu. Đến thời điểm này tôi đã trả gần hết số nợ”. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời ấy đã mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình chị Hợi.
Dẫn chúng tôi đến thăm vườn cà phê nhà anh Rơ Mah Bluynh, ở làng Ure 2, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, ông Ngọc vui vẻ chia sẻ: Ngày trước Bluynh làm công cho nhà tôi. Thấy anh thanh niên có chí lại cần cù chịu khó nhưng không có vốn đầu tư, vợ chồng tôi cung cấp 300 cây giống cà phê, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng cho anh ấy. Anh Bluynh tâm sự: “Gia đình ông Ngọc đã giúp đỡ mình nhiều lắm. Hàng tháng không có tiền mua phân bón, ông Ngọc cho mình ứng trước một vài triệu đồng để đầu tư sản xuất rồi trừ vào tiền công. Giờ đây 700 cây cà vườn nhà mình cho thu hoạch ổn định sau khi trừ chi phí vẫn còn dư ra 80 triệu đồng mỗi năm. Từ đó, mình đã thoát cảnh làm thuê”.
Tú Uyên