Sức khỏe

Cứu sống bệnh nhân có màng ngoài tim xơ cứng như cái 'mo cau'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt hay gặp nhất hiện nay ở các nước đang phát triển vẫn là do vi trùng lao và cách điều trị duy nhất có hiệu quả là phẫu thuật cắt màng tim.
Bác sĩ đang phẫu thuật cắt màng tim xơ cứng của bệnh nhân
Ngày 12.1, Khoa Phẫu thuật tim mạch-lồng ngực, Bệnh viện Xuyên Á TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật cắt màng ngoài tim để điều trị suy tim nặng do viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính cho bệnh nhân V.T.T (55 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM). Sau phẫu thuật, mọi thông số huyết động của bệnh nhân đều ổn định, tình trạng suy tim cải thiện rõ.
Trước đây bệnh nhân đã được phát hiện tràn dịch và viêm dày màng ngoài tim nhưng bệnh nhân không tiếp tục điều trị, dù đã được tư vấn phẫu thuật ngay từ đầu. Gần đây bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì suy tim nặng, khó thở, gan to. Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim co thắt rõ. Kết quả chụp CT scanner cho thấy màng ngoài tim viêm, xơ dày, vôi hoá, dày đến 10 mm, gấp 5 lần so với bình thường, xơ cứng như “mo cau” nên. Đặc biệt, hai lá màng ngoài tim không còn co giãn - đàn hồi nữa nên dính chặt vào cơ tim.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim xơ dày nhằm giải phóng các buồng tim. Ca phẫu thuật khá khó khăn do màng tim xơ dính chặt vào cơ tim, điều này khiến bệnh nhân suy tim nặng.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt hay gặp nhất hiện nay ở các nước đang phát triển vẫn là do vi trùng lao và phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả là cắt màng tim. Đây là một phẫu thuật khó khăn do luôn đi kèm các nguy cơ biến chứng nặng có thể gây tử vong cho bệnh nhân như: chảy máu ồ ạt do xé rách các buồng tim, loạn nhịp tim, tổn thương mạch vành hay suy tim cấp sau mổ.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong bệnh viện (trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật) của phẫu thuật cắt màng tim vẫn còn cao (từ 5% đến 16%). Do vậy, các bệnh nhân luôn được khuyên cần phải tuân thủ chỉ định điều trị phẫu thuật càng sớm càng tốt (ngay khi được chẩn đoán) để tránh những rủi ro do khó khăn kỹ thuật cũng như tiên lượng xấu nếu để bệnh diễn tiến đến suy tim nặng.
Duy Tính (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm