Năm 2012, ước số người tham gia bảo hiểm y tế là 59,164 triệu người, tăng hơn 2 triệu người so với năm 2011, tỷ lệ bao phủ khoảng 67% dân số; 2.453 cơ sở khám chữa bệnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế (trong đó có 1.982 cơ sở nhà nước và 471 cơ sở tư nhân), tăng 6% so với năm 2010.
Xếp hàng chờ phát thuốc bảo hiểm y tế. |
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tổ chức ngày 6-11 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã từng bước đi vào cuộc sống, đồng thời khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế; hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ. Sự phối hợp của các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được cải thiện...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn quá trình thực hiện Luật vẫn còn một số tồn tại, bất cập như chất lượng khám chữa bệnh nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của địa phương chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức...
Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận; đóng góp ý kiến mang tính chất thiết thực, khả thi và tìm ra những nội dung, vấn đề cần sửa đổi, điều chỉnh để đưa vào Luật Bảo hiểm y tế sẽ trình Chính phủ vào năm 2013 nhằm thực hiện định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Người tham gia bảo hiểm y tế được tiếp cận dịch vụ tất cả các tuyến y tế theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật với 20% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và tương đương; 61% tại bệnh viện huyện và tương đương; còn lại gần 19% đăng ký tại các cơ sở tuyến tỉnh và Trung ương.
Hình thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phí dịch vụ đang là hình thức chủ yếu, chiếm 64,5% số cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất cũng đã được triển khai và từng bước mở rộng với 902 cơ sở áp dụng (năm 2012); một số tỉnh đã áp dụng phương thức này cho tất cả các bệnh viện huyện trong tỉnh (như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam).
Đồng thời, hình thức thanh toán trọn gói theo ca bệnh đang được áp dụng thí điểm tại hai bệnh viện của Hà Nội (Thanh Nhàn và Ba Vì) với 4 nhóm bệnh là viêm ruột thừa, viêm phổi người lớn, viêm phổi trẻ em và sinh thường...
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế Tống Thị Song Hương cho biết để khắc phục khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ban, ngành và địa phương, Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất như Luật Bảo hiểm y tế quy định Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến là nguyên nhân dẫn tới sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; đề nghị bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội, thân nhân người có công vì người bệnh không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong tổ chức thực hiện.
Quy định trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, trách nhiệm đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế của Nhà nước đối với một số nhóm đối tượng như hộ gia đình, người lao động thuộc lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, hợp tác xã; quy định tùy thực tế từng địa phương áp dụng phát hành thẻ bảo hiểm y tế có ảnh để thuận lợi cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh...
Theo TTXVN