Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đà Nẵng với nghệ thuật “hút” khách du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiết mục bắn pháo hoa của đội Pháp, đoạt giải nhất. Ảnh: K.N.B
Tiết mục bắn pháo hoa của đội Pháp, đoạt giải nhất. Ảnh: K.N.B

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC)- 2010 với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn” đã khép lại. Lễ hội này được đánh giá là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm quảng bá hình ảnh Đà Nẵng và là một cách làm hay để thu hút du khách đến với Đà Nẵng.

Khi nhắc đến Đà Nẵng có lẽ không ít người đã biết đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Một thành phố có địa hình đa dạng, có vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Đà Nẵng nằm ở vị trí cửa ngõ miền Trung, trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây và trung tâm con đường di sản Việt Nam. Đà Nẵng có thể đón du khách bằng nhiều hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt, hàng không.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn là nơi quần tụ hài hòa của tự nhiên với núi, sông, rừng, biển, bán đảo cùng truyền thống lịch sử hào hùng kết hợp với bản tính con người trữ tình, đôn hậu… rất phù hợp để du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch.

Môi trường sinh thái biển Đà Nẵng có tiềm năng du lịch dồi dào với một hệ thống các khu du lịch như: Non Nước, Sandy Beach, Furama, Bắc Mỹ An, Mỹ Khê, Bãi Bụt, Biển Đông, Sơn Trà, Xuân Thiều, Nam Ô… Biểu trưng của Đà Nẵng còn là cảnh núi non hùng vĩ, mây trời, sông nước giao hòa. Đó là danh thắng Ngũ Hành Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ, là thế giới của chùa chiền và hang động. Đó là bán đảo Sơn Trà một vùng sinh thái tự nhiên, một địa danh lịch sử; là đèo Hải Vân- “thiên hạ đệ nhất hùng quan”; là Bà Nà- Núi Chúa, nơi được xem như Sa Pa, Đà Lạt của miền Trung với hệ thống cáp treo được đầu tư 11 triệu USD, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan.

Đà Nẵng còn là thành phố của di tích, lễ hội với những sản phẩm đặc sắc: Bảo tàng điêu khắc Chăm lưu giữ những kiệt tác kiến trúc điêu khắc độc đáo, kết hợp với những điệu múa Chăm Pa uyển chuyển, lễ hội Quan Thế Âm, lễ hội Non Nước, lễ hội Cầu ngư… Và, 3 năm gần đây DIFC liên tục được tổ chức đã góp phần tạo nên “thương hiệu du lịch” cho vùng đất này.

Năm 2010, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã đưa ra con số phấn đấu là 1,45 triệu lượt khách; tổng doanh thu chuyên ngành du lịch đạt 1.015 tỉ đồng. Để thực hiện mức phấn đấu đó, Đà Nẵng phải dựa vào dịp tổ chức DIFC hàng năm. Sự thu hút du khách đến tham gia cuộc thi là hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, đã có 1,5 triệu khách du lịch (trong đó khoảng 1 triệu khách nội địa) đến với Đà Nẵng trong dịp này. Và cuộc thi lần này đã đem lại doanh thu cho Đà Nẵng từ 1.000 tỉ đồng đến 1.500 tỉ đồng.

Về mặt đời sống tinh thần, cuộc thi là một sinh hoạt văn hóa phục vụ đông đảo người dân trong khu vực cũng như du khách từ khắp nơi đến đây. Về mặt kinh tế, khách du lịch đến đã đem lại cho Đà Nẵng và các tỉnh trong vùng nguồn thu không nhỏ từ việc phục vụ ăn ở, vui chơi giải trí và nhiều dịch vụ khác.

Để có được kết quả đó, ngành du lịch Đà Nẵng đã tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại TP. Hồ Chí Minh mà trọng tâm là DIFC “Huyền thoại sông Hàn” từ đầu năm 2010. Ban tổ chức đã triển khai sớm chương trình cuộc thi để  các công ty lữ hành tại Đà Nẵng chớp thời cơ “tung” ra hàng loạt tour du lịch hấp dẫn như: Các hoạt động du lịch biển, lễ hội ẩm thực, giới thiệu về tiềm năng du lịch của Đà Nẵng và miền Trung, giao lưu với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước có quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa với Đà Nẵng… kết hợp xem pháo hoa nhằm thu hút du khách.

Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đà Nẵng giải quyết khâu lưu trú cho du khách bằng việc liên kết với 76 khách sạn ở Hội An (Quảng Nam) và 20 khách sạn ở Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế) để giảm áp lực lưu trú trong thành phố. Sở cũng phối hợp với Chi cục Quản lý Thị trường, Công an thành phố và đặc biệt là với Hiệp hội Khách sạn để yêu cầu các khách sạn thành viên cam kết thực hiện niêm yết giá, không tăng giá phòng, giữ chất lượng phục vụ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp này.

Đặc biệt, để giữ thương hiệu và uy tín, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm Đà Nẵng đều dùng nguồn kinh phí vận động tài trợ chứ không sử dụng ngân sách nhà nước. Cuộc thi cũng không “khoán trắng” cho đối tác nước ngoài mà thành phố đứng ra tổ chức toàn bộ, từ xây dựng chương trình chung, lựa chọn chủ đề của cuộc thi, tổ chức các hoạt động phối hợp đến lập Ban giám khảo cuộc thi… Đây là cách làm hay, tạo được độ tin cậy đối với những nước đến tham gia dự thi, là một cử chỉ đẹp tạo ấn tượng tốt đối với du khách…

Tất cả những điều trên đã minh chứng rằng, với lễ hội bắn pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng đã thành công trong triết lý “dùng nghệ thuật để thu hút khách du lịch”.

Bích Nga


Có thể bạn quan tâm