Xã hội

Gia đình

Đã thực sự có bình đẳng giới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đề cập đến vấn đề này, chị bạn tôi đã thốt lên chua chát: “Em cứ nhìn nhà chị thì rõ, làm gì có thứ bình đẳng ấy! Chị cũng làm việc kiếm tiền, còn phải chăm sóc 2 đứa con, đưa đón chúng đến trường, cơm nước cho cả nhà… vậy nhưng chẳng khi nào chồng ghi nhận. Mỗi khi về đến nhà, nếu chẳng may nhà chưa kịp lau, cơm chưa kịp nấu…, anh chẳng cần biết lý do mà quay ngược xe đi thẳng”. Chị bảo, ban đầu cũng chạy theo giữ xe, rồi năn nỉ, giải thích nhưng chẳng thay đổi được anh, nên đành “trời không chịu đất, đất phải chịu trời”, nhịn đi một chút, làm ráng thêm một chút để cửa nhà yên ấm.
 

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Có lẽ, chị bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt. Bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên để thay đổi không phải là chuyện một sớm một chiều. Phần đông nam giới thời nay vẫn khư khư quan điểm: đàn ông là trụ cột gia đình, chỉ làm những việc to tát ngoài xã hội, còn phụ nữ đảm đương chuyện bếp núc, nhà cửa, chăm sóc con cái… là đương nhiên. Chị Trần Thị Thùy (tổ 2, phường Hội Thương, TP. Pleiku) than phiền rằng, bố chồng chị là người gia trưởng, ông chẳng bao giờ đụng vào việc nhà và cũng không để con trai mình phụ giúp vợ. Mỗi lần thấy chồng chị xuống bếp phụ vợ, ông lại mỉa mai là “bám váy đàn bà”… Riết rồi chồng chị cũng tránh né, thành ra chị phải cố sức gồng gánh mọi việc, từ nương rẫy cho đến việc dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, giặt giũ, chăm sóc, nuôi dạy các con…

Chẳng riêng phụ nữ nông thôn hay phụ nữ đang phụ thuộc vào gia đình nhà chồng mới chịu cảnh bất bình đẳng, mà ngay tại thành phố, nhiều gia đình trẻ dù luôn tiếp cận với tư duy mới vẫn chấp nhận bất bình đẳng trong gia đình do không tìm kiếm được tiếng nói chung, không nhận được sự đồng tình từ đối phương; còn đối phương phần vì gia trưởng, phần vì quen thói ỷ lại vào mẹ, vào chị, vào vợ. Chị Đinh Thị Liên (tổ 1, phường Ia Kring, TP. Pleiku) tâm sự: “Cùng làm công chức như nhau nhưng về đến nhà mình thì luôn tay, luôn chân với hàng trăm thứ việc không tên, còn chồng cứ vô tư nằm xem điện thoại. Nói nhiều thì ổng đứng lên, ra máy giặt lấy đồ đi phơi nhưng cũng chẳng vui vẻ gì!”. Theo chia sẻ của chị Liên, chị cũng không phân chia hay có ý đòi hỏi chồng phải làm việc nhà cùng mình theo kiểu 50:50, đơn giản, chị muốn anh hiểu những áp lực để có thể cảm thông, chia sẻ phần nào, đồng thời để con cái nhìn vào cha mẹ mà noi gương.

 

Điều 5, khoản 3-Luật Bình đẳng giới: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế khiến cho cán cân bình đẳng giới vẫn bị lệch, đó là từ chính phụ nữ. Sở dĩ, nói như vậy là vì, nhiều phụ nữ dù không trực tiếp nói ra, nhưng trong sâu thẳm vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, từ người cha, người chồng nên họ vẫn thích sinh con trai hơn con gái. Chẳng thế mà những năm gần đây, biểu hiện mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã rơi vào mức đáng báo động, tỷ lệ bé trai ra đời luôn cao hơn bé gái. Rồi cũng chính các chị, các mẹ do bị chi phối bởi tư tưởng ấy nên trong phương pháp nuôi dạy con cái cũng có sự phân định rạch ròi. Con gái cho đi học nữ công gia chánh để phụ mẹ, phụ bà chuyện nhà cửa, bếp núc, sau này lớn lên trở thành vợ hiền, dâu đảm, còn con trai thì chẳng cần phải lau nhà, giặt đồ…

Nói như thế không có nghĩa là không có sự bình đẳng giới, chẳng qua, con số này còn khá khiêm tốn. Chính vì khiêm tốn, nên mỗi khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người đàn ông lúi húi lau nhà, rửa bát, nấu cơm, cộng đồng mạng nhanh chóng chia sẻ và để lại những bình luận theo kiểu: “soái ca”, “người đàn ông của năm”… Gia đình được xem là nền tảng của xã hội, gia đình có bình đẳng thì xã hội mới bình đẳng, nhưng làm thế nào để có bình đẳng thật sự trong gia đình? Thiết nghĩ, ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì người phụ nữ cũng cần khéo léo khuyến khích, khơi gợi vấn đề, chủ động đề xuất để nhận được sự hợp tác từ đối phương...

An Nguyên

Có thể bạn quan tâm