Chính trị

Tin tức

Đại biểu Quốc hội: Xây dựng nông thôn mới để làm gì, vì ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bài học xây dựng nông thôn mới cần được xem xét và đánh giá nghiêm túc.

Từ những ý kiến của cử tri tại các vùng miền trên cả nước khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện chương trình nông thôn mới đã thực sự là cái người dân cần và họ mong muốn được thụ hưởng hay không? Đây cũng là băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến đối với báo cáo giám sát chuyên đề về nội dung này.

Xây dựng nông thôn mới để làm gì, vì ai và cần thực hiện như thế nào để đạt mục đích đề ra, đó là những câu hỏi cần được nghiêm túc xác định lại sau hơn 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn 1.760 xã về đích nông thôn mới nhưng không ít trong các xã đó đang phải gánh món nợ hàng tỷ đồng.

Để đạt được bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, có xã đã huy động quá sức dân, để lại khoản nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán. Nhờ vào các nguồn lực huy động, bộ mặt nông thôn tuy thay đổi, khởi sắc với các công trình được mọc lên nhưng đời sống của người dân có vì thế được nâng lên và liệu đó là những thứ họ cần, mong muốn được thụ hưởng?

 

 Ông Nguyễn Hạnh Phúc-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Nguyễn Hạnh Phúc-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội


Từ thực tế này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng bước đi trong xây dựng nông thôn mới chưa khoa học và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn: “Tôi nghĩ là bước đi, cái gì trước, cái gì sau tôi thấy nhiều nơi chưa đáp ứng được. Đầu tiên phải tập trung vào sản xuất đó, sản xuất quan trọng đã, và từ cánh đồng ở trong nhà đã chứ nhiều nơi tập trung chủ yếu vào xây dựng nhà trụ sở, xây dựng đường, nhà thật to chính là người dân không đồng tình. Tôi nghĩ bước đi, cái gì trước, cái gì sau là phải rõ”.

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bài học xây dựng nông thôn mới cần được xem xét và đánh giá nghiêm túc. Xây dựng nông thôn mới là vì người dân hay vì những thay đổi thiếu tính bền vững, chạy theo tiến độ, chạy theo thành tích. Xây dựng nông thôn mới trước hết phải nhằm giúp sản xuất phát triển, từ đó đời sống sung túc, thôn xóm dân chủ xã hội văn minh, chính quyền vững mạnh. Đó mới chính là những điều người dân cần.

Cùng chung lo ngại về những kết quả bề nổi của việc thực hiện chương trình nông thôn mới, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá tính chính xác trong báo cáo của các địa phương về nội dung này. Trước thực tế huy động và sử dụng nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới không hiệu quả, ông Phan Xuân Dũng đặt câu hỏi phải chăng do chính sách không phù hợp, đặc biệt là chính sách khơi dậy và khuyến khích sức đóng góp của các nhà khoa học, các doanh nghiệp vào chương trình này.

“Hệ thống doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức đầu tư ra nước ngoài rất hiệu quả, từ sang Mỹ, sang Australia, Nga, New Zealand, bên cạnh điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu thì một vấn đề không thể thiếu đấy là chính sách. Chính sách của họ và của ta có gì khác nhau để từ đấy mình có bài học tác động lại trong cơ chế chính sách của mình trong giai đoạn tới”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Xác định đúng đắn xây dựng nông thôn mới nhằm đưa đời sống của nhân dân ở nông thôn nâng lên thì việc tập trung phát triển sản xuất cho bà con là bước đi quan trọng và cách làm bền vững. Tuy nhiên, nút thắt quan trọng để giải quyết vấn đề này chúng ta chưa thực hiện được. Đó là giải quyết cho tốt việc kết hợp ba nhà: nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp không được lưu tâm đúng mức.

 

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Hải-Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải phân tích: “Khẩu hiệu kết hợp ba nhà nên có đánh giá về kết hợp này. Khó khăn nhất giai đoạn vừa qua là chúng ta tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thay đổi bộ mặt bề nổi trước điện đường trường trạm nhưng cái khó là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp chứ nếu không có điện đường trường trạm nhưng dân vẫn đi các nơi khác sản xuất, thanh niên không có việc làm. Tác động phối hợp như ban đầu mình chỉ đạo nhưng chưa thực hiện được”.

Đầu tư đúng hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là vấn đề giúp người dân tại nông thôn có thể ổn định và phát triển cuộc sống của chính mình tại địa phương. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng đây là vấn đề Chính phủ cần rà soát và có giải pháp đúng đắn, triệt để hơn: “Chúng ta chưa hình thành danh mục nghề liên quan đến lao động nông thôn là rất khó. Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm rà soát lại làm sao định ra được danh mục ngành nghề ở mỗi địa phương thì đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Cùng với đó còn có nhiều cơ chế chính sách của các bộ ngành thì sự phối hợp như thế nào để tránh phân tán, trùng lắp, phân tán nguồn lực”.

Vướng mắc chung của các xã khi về đích nông thôn mới là món nợ chưa biết trả như thế nào trong khi người dân thì lo lắng, thậm chí, bức xúc với chính quyền. Thực tế đó nói lên mục đích tốt đẹp của việc xây dựng nông thôn mới chưa đạt được. Chúng ta đã có những bài học sâu sắc trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia với bất cập sử dụng nguồn lực không đúng hướng, lãng phí, thất thoát, chưa tính đến việc thụ hưởng của người dân. Những bài học này cần được xem xét một cách nghiêm túc, sâu sắc.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm