"Đại gia" thất thế thành người chế tạo máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng là chủ doanh nghiệp xây dựng có tiếng tăm, thế nhưng chỉ sau một biến cố, ông Cao Văn Thuận (tổ 7, thị trấn Chư Sê) lâm vào cảnh tay trắng. Mang cảm giác của người thất bại, có lỗi với vợ con, ông lui về “ở ẩn”. Những ngày tháng nhàn rỗi, sẵn biết nghề cơ khí, ông mày mò chế tạo các loại máy chế biến nông sản, thực phẩm và... thành công bất ngờ.

 

Tay trắng lại hoàn... trắng tay

Để ông Thuận đồng ý gặp gỡ, trò chuyện, tôi phải nhờ nhiều người tác động, thuyết phục đầy khó khăn. Khi chúng tôi đến nhà, ông đang hì hụi làm một chiếc máy xay cà phê để giao cho khách. Chừng mươi phút sau, ông nghỉ tay, ngắt cầu dao điện “xưởng chế tạo”. Sau một tuần trà, ông chậm rãi kể về một quãng đời lắm niềm vui song cũng nhiều cay đắng của mình.        

Ông Thuận sinh năm 1966 tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Thanh Hóa. Đầu những năm 1990, như bao người cùng quê, ông khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh tìm kế mưu sinh. Không bằng cấp, vốn liếng, ông nào dễ tìm được việc làm, dù chỉ là lao động chân tay. Sau nhiều ngày lang thang tìm việc, ông thấy một cơ sở cơ khí tuyển thợ hàn. Ông Thuận kể: “Để được nhận vào làm, dù chưa biết gì về hàn xì nhưng tôi vẫn đánh liều tự nhận là… thợ hàn có kinh nghiệm. Khi họ đồng ý, tôi xin vài ngày để chuẩn bị. Trong mấy ngày ấy, tôi nhờ các anh em biết nghề chỉ bày. Chưa đầy tuần sau, tôi tự tin bắt tay vào việc”.

 Ông Cao Văn Thuận bên chiếc máy đang chế tạo. Ảnh: L.H
Ông Cao Văn Thuận bên chiếc máy đang chế tạo. Ảnh: L.H



Gắn bó với nghề cơ khí tầm 7 năm, nhận thấy nghề xây dựng kiếm ra tiền, ông Thuận bỏ thời gian đi học một khóa đào tạo ngắn ngày về xây dựng. Từ một người thợ bình thường, với bản lĩnh cùng sự nỗ lực của mình, ông tách ra lập nhóm thầu rồi chẳng bao lâu thành lập doanh nghiệp xây dựng. Năm 1999, ông chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Chư Sê để tiếp tục công việc ở mảng xây dựng. “Thời hoàng kim, công ty thực hiện hầu hết các dự án xây dựng lớn trên địa bàn huyện Chư Sê và không ít công trình ở TP. Pleiku. Công việc làm ăn có lãi, nhà đất tôi nắm trong tay rất nhiều. Tuy nhiên, sau một biến cố, mọi thứ mất sạch. Ngay đến căn nhà của gia đình, tôi cũng không giữ được. Vợ con chốc lát quay lại cảnh khốn khó. Tôi từ bỏ nghề xây dựng từ đó”-ông Thuận buồn rầu nhớ lại.

Tay ngang chế tạo máy

 

Bà Mai Thị Thủy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê: “Hợp tác xã đã mua về sử dụng một số loại máy móc, thiết bị như: máy tách hạt sachi, máy rang sấy sachi… do ông Thuận chế tạo. Hầu hết đều đáp ứng rất tốt nhu cầu sử dụng, giá lại rẻ hơn rất nhiều so với máy móc cùng loại trên thị trường”.
 

Khi không còn gì trong tay, dò dẫm trong “vùng đáy” cuộc đời, ông Thuận bình tâm suy xét lại tất cả những gì đã trải qua. Trong sâu thẳm, ông nhận ra mình rất yêu nghề cơ khí, cái nghề mà ông đã có một thời tuổi trẻ gắn bó. Nhưng làm gì với nghề này thì ông vẫn chưa nghĩ ra. Mãi đến năm 2014, khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về cà phê “bẩn”, ông mới nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy đơn giản để ai cũng có thể tự rang xay cà phê. Bắt tay vào làm, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã chế tạo thành công chiếc máy rang cà phê sử dụng công nghệ rang khí gas. Chưa hài lòng, ông mày mò nghiên cứu, cải tiến và sau vài tháng đã cho ra đời chiếc máy rang sử dụng điện. Ngoài động cơ và các thiết bị cảm biến phải mua bên ngoài, các bộ phận còn lại từ vỏ, lồng rang, cánh đảo… ông Thuận đều tự làm. Máy có thể tự động rang chín cà phê trong khoảng thời gian 40-60 phút/mẻ; mỗi mẻ tầm 10 kg cà phê hạt.

Tuy nhiên, phải đến năm 2018, qua nhiều lần điều chỉnh thiết kế, ông Thuận mới hoàn thiện được chiếc máy rang cà phê ưng ý. “Thưởng thức cà phê được rang từ chiếc máy này, tôi tin mình có thể “cầm tiền của thiên hạ” từ việc bán máy. Đến nay, tôi đã bán được trên 30 chiếc máy rang cà phê, giá mỗi chiếc tầm 30 triệu đồng”-ông Thuận nói. Khách hàng mua máy của ông không chỉ ở Chư Sê, Pleiku mà tận Đồng Nai, Nghệ An… Khi khách hàng yêu cầu phải có tên cơ sở sản xuất trên máy, ông Thuận mới ớ ra vì chưa hề nghĩ đến điều đơn giản ấy. Ông bảo: “Bí quá, tôi chọn tên “Thái Sơn”, là tên làng nơi tôi sinh ra”.

 Một góc thị trấn Chư Sê về đêm. Ảnh: Đ.T
Một góc thị trấn Chư Sê về đêm. Ảnh: Đ.T



Trong một lần được mời hỗ trợ sửa chữa thiết bị chế biến hạt sachi, ông Thuận nảy ra ý tưởng chế tạo máy tách hạt, máy rang sấy sachi. Đây là loại hạt có phần nhân nằm trong lớp vỏ khá mỏng, giòn và cứng, nếu rang thông thường, để chín phần nhân sẽ dễ cháy phần vỏ và ngược lại. Không biết bao nhiêu mẻ rang thất bại, phải đem xay làm thức ăn gia súc, ông Thuận mới tìm ra nguyên lý rang “sốc nhiệt” để làm chín hạt sachi. Nguyên lý này là nâng mức nhiệt độ thật cao, sau đó “thả lỏng” cho hạt sachi tự ngấm nhiệt để chín đều, thơm ngon. Nếu việc chế tạo máy rang sấy sachi khá dễ dàng thì khi chế tạo máy tách hạt sachi, ông Thuận phải vật lộn rất nhiều. “Tôi đập ngang, đập dọc đủ kiểu để tìm ra cách tách vỏ sao cho không làm vỡ nhân mà mãi vẫn không ổn. Một bận bực quá, tôi cầm một nắm hạt sachi ném vào tường để giải tỏa. Những hạt sachi sau khi đập vào bức tường bật trở lại khiến lớp vỏ vỡ toang, trong khi nhân vẫn nguyên vẹn. Tôi mừng rỡ nhận ra nguyên lý dùng sức “ném”, lấy sự va đập của hạt vào thành máy làm bung lớp vỏ hạt sachi”-ông Thuận kể lại tình huống rất ngẫu nhiên đã giúp ông giải bài toán khó khi chế tạo máy tách hạt sachi.

Trong một lần khác, chứng kiến một người thân loay hoay tìm cách giải quyết lượng cá nuôi mùa dội chợ, ông Thuận cao hứng nghĩ ngay đến việc thiết kế máy làm thịt, cá xông khói. Không lâu sau khi bắt tay vào làm, ông Thuận biến ý tưởng trên thành hiện thực. Ông cho hay: “Với chiếc máy này, chỉ cần 2-3 giờ đã hoàn tất một mẻ thịt xông khói, thịt bò khô… Nó còn có thể sử dụng làm các món quay giòn như: gà quay, vịt quay”. Máy làm thịt xông khói của ông cũng đã được một số chủ cửa hàng, quán ăn mua về để chế biến thực phẩm.

…Không qua trường lớp đào tạo căn bản, “vốn” giắt lưng chỉ là kinh nghiệm ít ỏi trong những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn kiếm sống bằng nghề gia công cơ khí, sau gần 5 năm, ông Thuận đã tự mình sáng chế ra nhiều loại máy khác nhau nhờ vào sự thông minh, chịu khó học hỏi. Hầu hết các loại máy móc do ông chế tạo đều đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân bởi được ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện ông đang tham gia một hợp tác xã trên địa bàn. Sắp tới, hợp tác xã và gia đình ông sẽ thực hiện các công việc liên quan đến đăng ký sáng chế đối với một số sản phẩm. “Tôi mơ ước sẽ tìm được nhà đầu tư phù hợp để có thể đi xa hơn trên con đường phát triển sản xuất”-ông Thuận chia sẻ.

 

 LÊ HÒA


 

Có thể bạn quan tâm